Chủ nhật, 19/05/2024 23:20:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:07, 14/08/2023 GMT+7

Lại chuyện “chiêu hiền đãi sĩ”

Thứ 2, 14/08/2023 | 15:07:55 655 lượt xem

Minh Luận

BPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây không phải lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta ban hành chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ”, việc thu hút, trọng dụng nhân tài được Đảng ta rất quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan, tuy nhiên thực tế thu hút, sử dụng nhân tài ở nước ta chưa như mong muốn. Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn diễn ra giữa các tỉnh, thành với nhau; giữa công và tư nhân hoặc ra nước ngoài làm việc… Rất nhiều tỉnh, thành; khu vực công và trong nước đã có những chủ trương, chính sách trải “thảm đỏ" như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện; cho đi học, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; hỗ trợ kinh phí học tập, nhà ở… tuy nhiên vẫn chưa thu hút, giữ chân được người tài về làm việc. Rất nhiều người sau khi được hỗ trợ đào tạo sẵn sàng trả lại chi phí để tìm nơi làm việc tốt hơn, rời bỏ khu vực nhà nước sang làm việc tại các đơn vị, công ty tư nhân. Về điều này, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá thực trạng và phân tích lý do để tìm giải pháp thu hút, giữ chân người tài phù hợp.

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tổng quát là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như khoa học - công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Quyết định cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp rất căn bản là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước... 

Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là rất rõ, tuy nhiên, liên quan đến việc giới thiệu, tiến cử, thu hút người tài thì còn nhiều việc phải bàn. Ngoài chính sách trải “thảm đỏ” mời gọi, điều quan trọng là quy trình thực hiện phải đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng, trúng; tuyển người nào chắc người đó; đúng vị trí việc làm và trình độ, năng lực. Cùng với chính sách thu hút thì việc thi tuyển cũng là giải pháp hay đã và đang được nhân dân đồng tình ủng hộ. Điều này góp phần khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp và bổ nhiệm người nhà.

Nói về công tác cán bộ, trong xã hội thường lưu truyền câu vè: Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ và đã có rất nhiều dị bản liên quan đến câu vè này, nhưng ở mỗi dị bản, trí tuệ vẫn luôn bị xếp sau cùng, ở vị trí thứ yếu. Đó có phải là lý do dẫn đến “chảy máu chất xám”, không giữ chân được người tài. Đã có rất nhiều người tài được tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp công việc trong bộ máy nhà nước nhưng chỉ làm được thời gian rồi rời bỏ. Có rất nhiều lý do nhưng điều quan trọng nhất là môi trường làm việc chưa tương xứng, cả về nhân lực và vật lực. Một người không thể kéo đoàn tàu chuyển bánh, họ rất cần đồng nghiệp và những đơn vị vệ tinh hợp sức, đồng lòng cùng chí hướng tiến về phía trước.  

Đãi ngộ, thu hút nhân tài đã khó, giữ chân được người tài càng khó hơn. Hơn hết phải tạo được “đất dụng võ”, có được môi trường làm việc lý tưởng để người tài phát huy năng lực, trình độ và bằng tâm huyết, trách nhiệm chứ không vì những bản hợp đồng trên giấy.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu