Chủ nhật, 19/05/2024 22:50:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:40, 14/08/2023 GMT+7

Đầu tư phát triển văn hóa phải xứng tầm

Thứ 2, 14/08/2023 | 05:40:21 555 lượt xem

Lâm Phương

BPO - Hội nghị Văn hóa được tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 11-8 hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vị thế, vai trò văn hóa trong đời sống xã hội.

Qua đó khẳng định, văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh phát triển, hoàn thiện nhân cách con người mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm phát triển bền vững đất nước. 

Với ý nghĩa to lớn của văn hóa càng khẳng định, đầu tư phát triển văn hóa là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược, định hướng, mục tiêu phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI tiếp tục khẳng định, đầu tư các lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách tỉnh, vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa xã hội là 3.138 tỷ đồng, chiếm 10,17% tổng vốn giai đoạn 2021-2025, gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020 (tổng số là 1.836 tỷ đồng). Huy động nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách cũng được tỉnh chú trọng thông qua hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất ngành văn hóa được chú trọng, các thiết chế văn hóa của tỉnh được tu bổ, xây dựng mới đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Thực tế, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho bồi dưỡng tư tưởng, nâng cao nhận thức, tri thức, giá trị và phát triển các kỹ năng của con người; là đầu tư cho hoạt động thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa các cấp, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo các bộ môn văn hóa nghệ thuật… Tuy nhiên, so với thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế thì kết quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa xã hội chưa xứng tầm; chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. 

Để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, thì ưu tiên hàng đầu là phải tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả chiến lược xây dựng con người; phát triển toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc. Đồng thời kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế tri thức. 

Song song đó, việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc cần ưu tiên các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình đầu tư cần đảm bảo sự hài hòa, cân đối và đồng bộ giữa các ngành văn hóa, từ giáo dục lịch sử truyền thống đến phát triển văn học nghệ thuật, phim, ảnh, bảo tàng, hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Bình Phước thông qua các tác phẩm, ngày hội dân gian, sự kiện thể thao, ngày truyền thống các dân tộc thiểu số… Nhất là phải có cơ chế thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu