Chủ nhật, 19/05/2024 20:21:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:11, 09/08/2023 GMT+7

Chân lý với ngành giáo dục

Trần Phương
Thứ 4, 09/08/2023 | 04:11:37 581 lượt xem
BPO - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 năm 2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Một trong những nội dung trong thông báo nhận được sự quan tâm rất lớn của hàng triệu phụ huynh trên cả nước, đó là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với các bộ liên quan hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024.

Trước đó, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, nhiều trường học, địa phương trong cả nước đã dự kiến mức học phí, trong đó nhiều trường, nhiều địa phương dự kiến sẽ tăng, một số trường, một số địa phương tăng đáng kể. Câu chuyện học phí năm nay, một lần nữa tương tự như thời điểm chuẩn bị cho năm học 2022-2023, khi nhiều trường rục rịch tăng, nhưng đến “giờ chót” đã phải ngưng. 

Lý do đơn giản là trong bối cảnh kinh tế - xã hội vừa phục hồi sau đại dịch, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, không thể tăng thêm gánh nặng với hàng triệu gia đình trong cả nước. Đặc biệt trước đó, tháng 12-2021, Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đang dự thảo chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030 (ban hành tháng 12-2022)… Vấn đề chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được đặt ra. Về tổng thể, việc tăng học phí là đi ngược với chủ trương của các chiến lược, chương trình này. 

Hiện nay, dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến sẽ sớm ban hành. Chủ trương chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024 cũng trong dự thảo chiến lược ấy. Đặc biệt, với bậc giáo dục phổ thông, hiện các quốc gia đã và đang hướng tới ngân sách nhà nước bao cấp hoàn toàn học phí, chứ không phải tăng học phí để nhà trường có thêm ngân sách.

Thế nhưng căn cứ tình hình thực tế, một số địa phương đã có những cách làm khác nhau, tạm chia làm 3 nhóm, gồm: Một số địa phương, thông qua HĐND cấp tỉnh đã tiếp tục áp dụng Nghị định số 81 để ban hành khung học phí cho năm học vừa qua và tiếp tục cho năm học tới, như Hà Nội, Bắc Giang, Long An… Ngược lại, một số địa phương đã và đang dự kiến tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí như Hải Phòng, Đà Nẵng… Nhóm thứ ba, như HĐND tỉnh Bình Phước và một số địa phương khác đã thông qua nghị quyết giữ ổn định mức thu học phí năm học vừa qua bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 và dự kiến tiếp tục ổn định trong năm học tới.

Thực tế cho thấy, việc miễn, giảm, tăng học phí chiếm tỷ lệ không lớn trong thu - chi ngân sách địa phương, trong khi đối tượng liên quan phạm vi rất rộng. “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai”. Điều đó không còn là một chủ trương nữa, mà đã trở thành chân lý. Vấn đề là chân lý ấy, thực tế còn khá nhiều điều chưa tương xứng, điển hình như ngân sách đầu tư cho giáo dục trên tổng GDP nước ta thấp hơn rất nhiều so với hầu hết các nước trên thế giới. Vì nhiều lý do khác nhau, ngành giáo dục chưa được quan tâm đúng mức với chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển đã được đưa ra. Song mỗi nhà giáo có thể tin tưởng rằng, điều gì là chân lý sẽ không bao giờ thay đổi. Và ngành giáo dục, học phí bậc phổ thông, lương, đời sống của nhà giáo… và nhiều vấn đề khác nữa, sẽ được quan tâm một cách xứng đáng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu