Chủ nhật, 19/05/2024 20:53:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:32, 07/08/2023 GMT+7

“Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”

Thảo Linh
Thứ 2, 07/08/2023 | 04:32:00 753 lượt xem
BPO - Bộ Chính trị mới ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thay thế Quy định số 205 trước đó. Điểm đáng chú ý của quy định này là không bố trí người có quan hệ gia đình đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành nhạy cảm như: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát nhân dân ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương. Mục đích hướng tới là hạn chế việc hình thành “gia tộc quyền lực” mà thời gian qua báo chí và mạng xã hội từng nhiều lần nhắc tới.

Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” trên các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, văn hóa - nghệ thuật… khá phổ biến. Nếu công khai, minh bạch, việc kế thừa, phát huy truyền thống gia đình trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động chính trị là rất tốt. Và thực tế, ở Việt Nam từng có nhiều gia đình có nhiều thế hệ hiển vinh và làm rạng danh đất nước. Điều đáng nói về hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” là sự lạm dụng quyền lực để bố trí người nhà, người cùng ê-kíp vào các vị trí chủ chốt không đúng quy trình, quy định; không theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ; hoặc luân chuyển liên tục, cất nhắc thần tốc để đối phó với tổ chức và dư luận; người được bổ nhiệm, cất nhắc non yếu năng lực hoặc không đúng chuyên môn...

Năm 2017, Chính phủ giao Bộ Nội vụ kiểm tra 11 địa phương và đã phát hiện một số sai phạm. Số người nhà của một số vị lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người. Trong 18 người có quan hệ ruột thịt thì 15 người có chức vụ, trong 42 người có quan hệ họ hàng thì 22 người có chức vụ. Tại thời điểm bổ nhiệm, một số trường hợp thiếu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học... Có tình trạng bổ nhiệm không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm hay trình độ chuyên ngành không phù hợp với vị trí việc làm... Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý cá nhân sai phạm. Vậy mà năm 2020, tại tỉnh Hà Giang, báo chí và mạng xã hội lại ồn ào việc Bí thư Tỉnh ủy bổ nhiệm 8 người nhà giữ vị trí chủ chốt của các ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Tại tỉnh Bắc Ninh cũng xảy ra hiện tượng bổ nhiệm người nhà vào vị trí chủ chốt của thành phố... Và còn nhiều tỉnh, thành khác nữa. Những vụ án tham nhũng lớn thời gian qua, người dân bàn tán cán bộ này là con ai, cháu ai, được ai đỡ đầu.... đã gây dư luận xấu về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114 là tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Trung ương và Bộ Chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là gắn liền kiểm soát quyền lực với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi không kiểm soát tốt quyền lực, để cán bộ có chức, có quyền lộng quyền, lạm quyền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn mưu lợi thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bị cản trở và chỉ là hình thức.

Việc cả nhà, cả họ làm quan mà báo chí phản ánh tại nhiều địa phương thời gian qua đang làm mất niềm tin của nhân dân đối với công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Tình trạng này còn gây lãng phí nguồn nhân lực xã hội khi những người thực tài không được trọng dụng bởi cơ chế “ô dù” hay “con ông cháu cha” gây ra. Quy định số 114 Bộ Chính trị vừa ban hành chính là cụ thể hóa việc kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, bằng chính sách, bằng những quy định của Đảng; cũng là hiện thực hóa lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu