Chủ nhật, 19/05/2024 21:09:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:16, 03/08/2023 GMT+7

Có 'việc nhẹ, lương cao'?

Lâm Phương
Thứ 5, 03/08/2023 | 04:16:10 1,062 lượt xem
BPO - Thời gian gần đây, hoạt động dụ dỗ, lừa gạt, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mua bán người Việt Nam từ nhiều địa phương trên cả nước sang Lào, Campuchia, Trung Quốc nhằm mục đích lừa đảo qua mạng, cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, kết hôn trái pháp luật, đánh bạc... diễn biến phức tạp. Thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, Telegram, Wechat... đối tượng xấu lập các tài khoản ảo, các hội, nhóm “lao động việc nhẹ, lương cao”, “cho, nhận con nuôi”, “tìm dâu cho người Trung Quốc”... Từ đó, lôi kéo, lừa đảo được nhiều nạn nhân qua biên giới, trong đó phần lớn bị ép ký hợp đồng làm việc trái pháp luật và bị cưỡng bức lao động, bị hành hạ, đánh đập, chà đạp nhân phẩm, bị đòi tiền chuộc, bị bán qua tay nhiều công ty.

Trước tình trạng nêu trên, mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn số 2577/UBND-NC gửi sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tăng cường các giải pháp, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm hoạt động dụ dỗ, lừa gạt người dân qua Campuchia để cưỡng bức, ép buộc đòi tiền chuộc, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Được biết, đối diện khu vực biên giới tỉnh Bình Phước có 3 casino còn hoạt động. Ngoài ra, qua trao đổi, nắm tình hình, trên địa bàn đối diện biên giới tỉnh Tây Ninh có 18 tòa nhà cao tầng với khoảng 10.000 người đang cư trú, làm việc cho các công ty (do người Trung Quốc làm chủ) chuyên lừa đảo trên không gian mạng như: Đánh bạc trực tuyến (game online), kinh doanh tiền ảo... Hậu quả của tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng…  gây ra cho xã hội là rất lớn, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, tinh thần của người Việt Nam, tạo dư luận xấu trong xã hội, xâm phạm đến các quyền cơ bản của con người, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình.

Thực tế, tình trạng này không chỉ diễn ra trong thời gian gần đây mà đã kéo dài nhiều năm qua. Các lực lượng chức năng Việt Nam cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hàng ngàn trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lại đánh trúng lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận không nhỏ người dân nên hoạt động dụ dỗ, lừa gạt người dân qua các nước giáp biên với Việt Nam nói chung và Campuchia nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. 

Thực tiễn nêu trên cũng cho thấy, bên cạnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa gạt tuyển dụng công dân Việt Nam sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" của các cơ quan báo chí, truyền thông cùng tinh thần đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, thì bản thân mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác trước những lời mời, kêu gọi của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi nhận lời đi làm, nhất là làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về địa danh, nơi mình đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm. Đồng thời tham khảo ý kiến của mọi người; cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình; thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh... Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc hoặc nghi có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người phải thông báo ngay cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu