Chủ nhật, 19/05/2024 20:37:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:26, 28/07/2023 GMT+7

Mệnh lệnh từ trái tim

Tấn Hòa
Thứ 6, 28/07/2023 | 04:26:32 1,117 lượt xem
BPO - Những ngày qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân cả nước long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023). Đây là sự kiện trọng đại để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc.

Hàng ngàn năm qua, dân tộc ta đã viết lên những trang sử vàng chói lọi về truyền thống kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, trong thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, đế quốc xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh này, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh. Nhiều người trở về cuộc sống đời thường nhưng thân thể mang đầy thương tích hay mất đi một phần cơ thể; bị tác động bởi chiến tranh, nhiễm chất độc màu da cam để lại di chứng cho hậu thế… Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay vẫn còn không ít trường hợp là bộ đội, thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến... đang nằm lại đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm chưa được quy tập về các nghĩa trang. Ở quê nhà, vẫn còn đó không ít mẹ già cùng gia đình đang ngày đêm mòn mỏi, ngóng trông người thân trở về! 

Để ghi nhớ công lao to lớn này, những năm qua, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công là tình cảm thiêng liêng, cao quý và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Truyền thống nhân văn cao đẹp “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” qua hàng ngàn năm lịch sử đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng lực, giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa năm 2022, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công; gần 1,2 triệu liệt sĩ; hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 600.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh… và gần 111.000 người hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày. Trong giai đoạn 2012-2022, Đảng, Nhà nước dành hơn 357 ngàn tỷ đồng thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công. Cả nước đã vận động được hơn 13 ngàn tỷ đồng hỗ trợ gia đình người có công xây dựng hơn 84.000 căn nhà và sửa chữa hơn 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng hơn 1.000 tỷ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 Mẹ Việt Nam anh hùng… Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Nhờ đó, đời sống người có công, gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và được cải thiện về vật chất, tinh thần. Hiện hơn 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. 

Để đất nước có được cuộc sống thanh bình như hôm nay, bao thế hệ cha anh đã phải đổi bằng xương máu, sinh mạng của mình. Vì vậy, các hoạt động tri ân, tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng phải xuất phát từ mệnh lệnh trái tim của mỗi người con nước Việt. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, ghi nhận công lao của các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công, các thế hệ công dân Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng, tinh thần bất khuất để xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu