Chủ nhật, 19/05/2024 22:59:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:56, 26/07/2023 GMT+7

Sớm muộn cũng lộ diện

Trần Phương
Thứ 4, 26/07/2023 | 04:56:11 565 lượt xem
BPO - Những ngày qua, việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ tiếp tục thu hút sự quan tâm rất lớn của hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Một lần nữa, vấn đề thời sự này đã được Bộ Chính trị có văn bản thể chế hóa, cụ thể hóa bằng Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11-7-2023 thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định số 114 khá ngắn gọn, với chỉ 5 chương, 16 điều. Thế nhưng những quy định chung nhất trong Quy định số 114 sẽ là cơ sở để thực thi nhiều vấn đề khác, là cơ sở để tiếp tục ban hành những quy định cụ thể hơn trong công tác cán bộ. Ví dụ Quy định số 114 yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Bộ Chính trị cũng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành, gồm nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, quân đội, công an, tòa án và kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương… Rồi đây, có thể những quy định cụ thể hơn về việc này sẽ tiếp tục được ban hành nhằm ngăn chặn tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ.

Quy định số 114 có hiệu lực kể từ ngày ký. Với sự nghiêm ngặt trong Quy định số 114, tình trạng “hậu duệ”, tình trạng “đi tìm người nhà chứ không cần người tài” trong hệ thống chính trị sẽ có một bước tiến ngăn chặn hiệu quả hơn. Quy định số 114 đã nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, trong hệ thống chính trị trên cả nước, đặc biệt là với cán bộ, đảng viên chân chính, có năng lực. Đồng thời đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với trường hợp có tư tưởng “con quan rồi lại làm quan” hay “một người làm quan cả họ được nhờ”, là sự cảnh tỉnh đối với những hậu duệ, thân tộc, đồng hương năng lực không có nhưng đang muốn, đang chạy chọt làm “ông nọ, bà kia”.

Thực tế cho thấy, đã có không ít quy định, chế tài về việc này. Thế nhưng trong thời gian qua, ở nhiều nơi, nhiều đơn vị, người đứng đầu vẫn bất chấp dùng mọi thủ đoạn để thao túng công tác cán bộ. Đây là một trong những lý do quan trọng dẫn tới bức xúc trong dư luận và trong chính tập thể đó. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn tới bộ máy của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị bị ảnh hưởng rất lớn, bị suy giảm sức mạnh, suy giảm niềm tin của nhân dân.  

Những điều này là dễ hiểu, bởi song song với “tìm người nhà”, ắt phải “vùi dập người tài” để “người nhà” mới có cơ hội ngoi lên. Với sự khốc liệt trên bước đường phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, chỉ vì lợi lích bản thân, vì “vinh thân phì gia” mà giao quyền lực vào tay người không có năng lực không khác gì giao tàu ra khơi cho một thợ chèo thuyền thúng trong ao, nếu không muốn nói “giao trứng cho ác”. Khi mục tiêu vì tập thể, vì nhân dân phải xếp sau mục tiêu vì hậu duệ, vì họ hàng thân tộc, vì vinh thân phì gia, người Việt Nam có câu Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, cho dù có giấu giếm thế nào trước sau cũng lộ diện. Còn với Quy định số 114 đã được ban hành, điều đó sớm muộn cũng bị xử lý.

Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114 là một quyết định rất quan trọng, hợp với ý nguyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Không chỉ tạo nên sự công bằng, minh bạch trong công tác cán bộ, Quy định số 114 cũng sẽ củng cố sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, củng cố đại đoàn kết toàn dân, củng cố sự vững mạnh thật sự của hệ thống chính trị.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu