Chủ nhật, 19/05/2024 22:59:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:59, 21/07/2023 GMT+7

Không thể tha thứ

Tấn Hòa
Thứ 6, 21/07/2023 | 05:59:03 1,159 lượt xem
BPO - Phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” đang là sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Diễn biến tại phiên tòa cho thấy, các bị cáo trong vụ án vì động cơ thấp hèn đã phản bội Đảng, phản bội nhân dân, đi ngược lại chủ trương đầy nhân đạo của Đảng để trục lợi bất chính là hành động không thể tha thứ.

Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 2-2020, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Chính phủ tổ chức chuyến bay, đón 30 công dân Việt Nam đang học tập, lao động... tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Tình hình đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp nên tháng 4-2020, Chính phủ tiếp tục tổ chức thêm một số chuyến bay giải cứu (chỉ thu phí vé máy bay), đưa công dân Việt Nam về nước cách ly. Đến tháng 11-2020, trước nhu cầu của công dân đang lao động, học tập... ở nước ngoài về nước tránh dịch rất lớn, Chính phủ đã thí điểm tổ chức 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao tổ công tác của 4 bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp tổ chức. Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép, tổ chức các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương... các bị cáo nêu trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng đã xác định, nhiều cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

Theo dõi phiên tòa qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân hết sức phẫn nộ trước hành vi phạm pháp của các bị cáo, đặc biệt với lời tự bào chữa của cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an. Bởi thời điểm đó, cả thế giới đang “oằn mình” chống dịch, hầu hết các quốc gia đều phải đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa đất nước để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm của vi rút Corona. Ở trong nước, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cả xã hội cùng chung tay góp sức chống dịch. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã phải thực hiện chính sách ngoại giao vắc xin. Cán bộ, chiến sĩ bộ đội phải vào rừng ở, nhường lán trại cho hoạt động cách ly, các lực lượng công an, biên phòng, đội ngũ y, bác sĩ, thanh niên, sinh viên tình nguyện bất chấp sự hiểm nguy... trở thành “người chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch. Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đã "nhường cơm sẻ áo"; chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm... tiếp tế cho các vùng có dịch. Kiều bào ta ở nước ngoài cũng hướng về Tổ quốc bằng cách ủng hộ tiền, vật tư y tế... cùng chia sẻ với đồng bào vùng dịch. Truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc cùng các hoạt động từ thiện, nghĩa cử cao đẹp ngày càng lan tỏa rộng khắp trong đời sống xã hội... Trong bối cảnh này, một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đã lợi dụng chủ trương của Đảng để nhũng nhiễu, đục khoét và nhận hối lộ. Hành vi phạm pháp này không những làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách đầy nhân văn của Chính phủ mà còn phản bội lại sự cố gắng của toàn dân, phản bội Đảng, phản bội đất nước để trục lợi bất chính.

Bên cạnh đó, hành vi của các bị cáo diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, bài trừ nạn cửa quyền hách dịch khi thực thi công vụ. Việc phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua đã củng cố niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, hành vi phạm tội của 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” là không thể bao biện, tha thứ mà phải xử lý nghiêm minh, thích đáng, đủ sức răn đe để giáo dục các trường hợp khác.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu