Chủ nhật, 19/05/2024 21:51:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:33, 19/07/2023 GMT+7

Cùng nhau phát triển, cùng nhau thịnh vượng

Trần Phương
Thứ 4, 19/07/2023 | 04:33:35 804 lượt xem
BPO - Bỏ chủ trương xây cầu Mã Đà kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai. Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Phước diễn ra tháng 12-2022 đã thông qua nghị quyết có nội dung ấy. Đó không phải lần đầu tiên chủ trương xây cầu Mã Đà, cùng với đó là làm các tuyến giao thông kết nối Bình Phước - Đồng Nai được nâng lên, đặt xuống, có chủ trương, sau đó lại hủy bỏ. Từ năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, lập dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Phước. Hơn 20 năm qua, một số bộ, ngành Trung ương cũng như 2 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai nhiều lần nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này…

Đây là minh họa điển hình cho một vấn đề lớn hơn, phạm vi rộng hơn. Và tin vui, điều này được giải quyết, khi ngày hôm qua 18-7, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng đã chính thức ra mắt và hội nghị lần thứ nhất. Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là 1 trong 4 hội đồng điều phối vùng trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Đây là hình thức tổ chức mới với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng.

Liên kết vùng là một trong những vấn đề được đặt ra trong những năm gần đây và ngày một cấp bách hơn. Nóng nhất là các lĩnh vực giao thông liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Và gần đây nhất, nóng nhất là đón đầu cuộc cách mạng 4.0.

Nếu như các tỉnh, thành trong khu vực, tỉnh, thành nào cũng vì áp lực của cuộc cách mạng 4.0 cũng tập trung xây dựng khu công nghệ cao thì sẽ ra sao? Ngay cả khu công nghệ cao quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, được thành lập từ năm 2002, đến nay hiệu quả hoạt động vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhưng không có công nghệ cao, kể cả các tỉnh phát triển hiện nay như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng sẽ bị bỏ lại phía sau. Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp khác cũng vậy…

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ giải quyết bài toán này. Sẽ không còn một câu chuyện cầu Mã Đà thứ hai, khi 2 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cùng kiến nghị, đề xuất Chính phủ, nhưng một tỉnh kiến nghị, đề xuất xây dựng, còn một tỉnh đề xuất, kiến nghị không xây dựng. Kéo theo đó là bộ máy chuyên môn của 2 tỉnh cũng như của nhiều bộ, ngành Trung ương phải vào cuộc…

Giải bài toán này cũng là chủ trương rất quan trọng được Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: Tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng. Và ngay tại hội nghị lần thứ nhất ngày hôm qua (18-7), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng đã yêu cầu các phó chủ tịch hội đồng gồm 5 bộ trưởng và các ủy viên hội đồng gồm 10 thứ trưởng và chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ nghiên cứu, đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó có quỹ phát triển hạ tầng vùng - những vấn đề các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã chờ đợi từ nhiều năm qua.

Lựa chọn làm đường giao thông, lựa chọn đầu tư dự án nào có tính kết nối vùng hay những vấn đề lớn hơn, từ nay sẽ có hội đồng điều phối quyết định chứ không còn “mạnh ai nấy làm”. Sẽ không còn dự án làm ở tỉnh A nhưng gây thiệt hại môi trường hay kinh tế cho tỉnh B... Tất cả sẽ vì một Đông Nam Bộ cùng nhau phát triển, cùng nhau thịnh vượng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu