Chủ nhật, 19/05/2024 20:53:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:32, 14/07/2023 GMT+7

Sẵn sàng đón đại bàng

Tấn Hòa
Thứ 6, 14/07/2023 | 04:32:12 1,188 lượt xem
BPO - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Ivan Petrov. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao việc liên đoàn đã hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội thường niên FIATA vào năm 2025. Sự kiện này sẽ là cơ hội thuận lợi để nước ta tăng cường quảng bá, sẵn sàng đón các “đại bàng” đầu tư vào hạ tầng logistics tại Việt Nam.

Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics như nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế, có bờ biển dài. Cả nước có khoảng 290 bến cảng thuộc 5 nhóm cảng biển và Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến vận tải, trong đó 25 tuyến quốc tế và 7 tuyến nội địa. Nhiều cảng biển của Việt Nam đã tiếp nhận thành công tàu container trọng tải lớn mà rất ít nước trong khu vực Đông Nam Á thực hiện được. Nhờ đó, ngành logistics của nước ta có tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 14-16% và lĩnh vực này đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam vài năm trở lại đây. Đặc biệt, từ hoạt động của logistics đã góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta trong năm 2022 đạt hơn 730 tỷ USD. Đây là thành tựu rất đáng phấn khởi của nước ta trong bối cảnh chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu bị đứt gãy do tác động bởi đại dịch Covid-19 và những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn tồn tại các “nút thắt” cần nhanh chóng tháo gỡ. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng lĩnh vực logistics thiếu đồng bộ. Hệ thống giao thông đường bộ trong liên kết vùng chưa được khơi thông, giao thông đường thủy chưa được đầu tư khai thác, đường hàng không trong cả nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Hệ thống đường sắt lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông tại các trung tâm kinh tế, thành phố lớn và tại cửa ngõ vào ra các bến cảng liên tục diễn ra... đã làm tăng chi phí vận chuyển, đội giá thành sản xuất cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, cả nước tuy đã có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics và hơn 5.000 đơn vị cung cấp dịch vụ logistics theo hợp đồng nhưng nhỏ về quy mô, hạn chế về vốn, yếu về kinh nghiệm nên chưa đủ mạnh về tiềm lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp logistics ở nước ta cũng chưa có sự liên kết với nhau về các khâu trong chuỗi cung ứng và với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dẫn đến việc hạn chế về “đất dụng võ”. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics ở Việt Nam phát triển chưa xứng tầm với xu hướng của thế giới...

Để Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, một đầu mối lớn về logistics, phải thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ngày càng tiệm cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Theo đó, các ngành chức năng sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, giải pháp tiết giảm chi phí, thúc đẩy phát triển logistics cho từng lĩnh vực giao thông và từng vùng, miền, địa phương. Ưu tiên tối đa nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển logistics. Sớm xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin...

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu