Chủ nhật, 19/05/2024 20:03:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:38, 13/07/2023 GMT+7

Ðể không còn cán bộ '3 không'

Lâm Phương
Thứ 5, 13/07/2023 | 04:38:49 1,078 lượt xem
BPO - Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh đến biểu hiện của cán bộ “3 không” hiện nay, là “không nói; không tham mưu, đề xuất; không làm” hoặc có làm thì cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Một số cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương, đơn vị có lúc, có việc còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.

Thực tế, tình trạng này không chỉ xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa mà diễn ra ở không ít các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức không chỉ làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ mà còn kéo theo nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí của công, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng.  

Trong những năm qua, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi thì ngay lập tức lại phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động với diễn biến phức tạp. Kéo theo lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả tăng vọt, không ổn định; dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh bị ngưng trệ. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: Gói hỗ trợ 2% lãi suất; hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ tín dụng… Tuy nhiên, số doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận rất ít vì kèm theo quá nhiều điều kiện doanh nghiệp không đáp ứng được. 

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có sự góp phần không nhỏ của một số cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Không chỉ sợ sai, né tránh trách nhiệm mà tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi. Đây được xem là “cơn bão" ngầm trong hành chính đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cũng vì khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc cho công nhân, người lao động hoặc lựa chọn phương án “án binh bất động”, thậm chí buộc phải đóng cửa.

Để phục hồi nền kinh tế, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, đồng thời kịp thời vực dậy những doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản hoặc giải thể, các cấp và ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc chỉ đạo về quản lý cải cách hành chính. Nhất là phải có những giải pháp mang tính đột phá, vận dụng những chính sách phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, khích lệ người dân, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo ra những giá trị mới.

Song song đó, chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những quy định không còn phù hợp và chủ động tháo gỡ điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đặc biệt, lãnh đạo đơn vị, địa phương phải xem xét không bố trí sắp xếp những cán bộ có hành vi né tránh công việc, đùn đẩy lẫn nhau, không có tâm, không có tầm hoặc trình độ yếu kém vào các vị trí đầu mối giải quyết công việc.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu