Chủ nhật, 19/05/2024 20:22:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 06/07/2023 GMT+7

Cần có giải pháp căn cơ

Lâm Phương
Thứ 5, 06/07/2023 | 04:45:57 1,274 lượt xem
BPO - Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên liên tục xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét cục bộ, gây thiệt hại nặng về người và tài sản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. 6 tháng đầu năm, thiên tai làm 33 người chết, mất tích; 147 ngôi nhà bị sập đổ, 7.649 ngôi nhà hư hỏng; 36.470 ha lúa, hoa màu và 745 ha cây trồng khác ngập úng... Ước thiệt hại khoảng 211,3 tỷ đồng.

Thương tâm nhất là vụ sạt lở đất xảy ra tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào sáng sớm ngày 29-6 làm 2 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại. Mới đây nhất, rạng sáng 5-7, mưa lớn gây sạt lở, sập nhà ở thôn Ngầm Đăng Vài 1, xã Ngầm Đăng Vài, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) khiến 2 người chết.

Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở đất tại TP. Đà Lạt, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Các bộ, ngành liên quan chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý và theo chức năng quản lý nhà nước được giao…

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Hơn ai hết, mỗi người dân Việt Nam đều hiểu rõ những nỗi đau, mất mát, thiệt hại mà thiên tai gây ra. Trong đó, đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng nhiều nhất là người nghèo. Bởi thực tế, sau mỗi trận lũ lụt, dông bão, người nghèo vẫn là đối tượng chịu hậu quả nhiều nhất do bị thiệt hại nhà cửa, vật nuôi, cây trồng, thậm chí không ít gia đình rơi vào cảnh bi thương, cùng cực. Mặc dù nhân dân cả nước đều hướng về người dân vùng bị thiên tai bằng cả tấm lòng nhưng tất cả sự trợ giúp cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn trước mắt.

Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, rất cần cấp có thẩm quyền và ngành chức năng có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai; đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bố trí nguồn kinh phí tu sửa, nâng cấp công trình đã xuống cấp, đảm bảo an toàn công trình, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân… Đặc biệt, rất cần các cấp, ngành, địa phương ưu tiên xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai đủ mạnh, đảm bảo giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu