Chủ nhật, 19/05/2024 23:32:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 05/07/2023 GMT+7

Hạn chế 'cháy nhà…'

Trần Phương
Thứ 4, 05/07/2023 | 04:45:49 827 lượt xem
BPO - Hôm qua (4-7), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cà Mau thông tin ông Nguyễn Văn Đô, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau bị kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm về nhiệm vụ đảng viên, kê khai tài sản không trung thực.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2022, cả nước có hơn 430.000 trường hợp phải kê khai tài sản, trong đó cơ quan chức năng phát hiện chỉ có 2 người kê khai không trung thực. Trước đó, cũng theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2021, cả nước có 10.769 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, qua đó phát hiện chỉ có 1 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực. Kết quả này cho thấy, những trường hợp phải kê khai tài sản đã kê khai rất trung thực, số không trung thực là rất ít, là hiếm có. Và nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đô bị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực cũng là trường hợp rất hiếm trong phạm vi cả nước, chứ không nói tới phạm vi 1 tỉnh, thành như Cà Mau hay Bình Phước.

Thế nhưng trong thực tế, rất nhiều trường hợp phải đến khi “cháy nhà” mới ra “mặt chuột”. Gần đây, gồm gần cả về địa lý và gần cả về thời gian, như hai lãnh đạo cấp cao là nguyên Bí thư Tỉnh ủy và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai rơi vào vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc chỉ “nhận quà” từ 1 doanh nghiệp, mỗi ông đã ăn hối lộ 14,5 tỷ đồng. Hay một loạt sĩ quan cấp cao là tư lệnh, chính ủy, phó tư lệnh, phó chính ủy… Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng tiền ngân sách cấp cho đơn vị, rút ra đem về nhà chi tiêu cá nhân. Khi sai phạm được đưa ra ánh sáng, cũng là lúc cho thấy trọng lượng danh dự, sự trung thực trong kê khai tài sản của các cán bộ, sĩ quan này chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Qua kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng phát hiện rất hiếm người kê khai tài sản không trung thực, song những câu chuyện tương tự như với nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai hay những tướng tá cấp cao của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lại không hề ít. Bao nhiêu cán bộ, quan chức bị khởi tố, bị truy tố, bị đứng trước vành móng ngựa là bấy nhiêu trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Đơn giản bởi tiền nhận hối lộ, tiền biển thủ, trục lợi tài sản của Nhà nước, không một ai kê khai trong bản kê khai tài sản, kê khai thu nhập định kỳ hằng năm hoặc nhiều đợt không định kỳ mỗi năm, kê khai ra, khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Như vậy, trong 2 năm 2021, 2022, qua kiểm tra, giám sát chỉ phát hiện 3 trường hợp kê khai tài sản không trung thực, kết quả này không chính xác, nếu không muốn nói là kết quả này không đáng tin cậy.

Điểm chung của những cán bộ thoái hóa, biến chất là công thức họ như thế nào thì cũng muốn đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới của họ sống với họ như thế. Người thường nịnh bợ người khác thì cũng thích người khác nịnh bợ mình. Người đi bằng đầu gối, hối lộ cấp trên hay đối tác để leo cao, trục lợi, cũng yêu cầu cấp dưới, đối tác phải đi bằng đầu gối, hối lộ họ. Người gian dối, giấu giếm tài sản thu nhập, ắt hẳn là bất minh, gian lận tài sản của Nhà nước hoặc ăn chặn của đồng nghiệp, cấp dưới, cấp trên…

Từ đó cho thấy, cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả hơn trong kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ cần được phổ biến công khai ở phạm vi rộng hơn để cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới, quần chúng, nhân dân giám sát. Đồng thời xử lý thật nghiêm khắc, không nhân nhượng, không cả nể đối với trường hợp kê khai không trung thực. Song song đó, cần có giải pháp quản lý nguồn gốc tài sản và giao dịch toàn xã hội chứ không chỉ với cán bộ. Như thế mới có thể hạn chế “mặt chuột” lòi ra khi “cháy nhà”.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu