Chủ nhật, 19/05/2024 20:37:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:13, 04/07/2023 GMT+7

Đừng chỉ quan tâm phần ngọn

Thảo Linh
Thứ 3, 04/07/2023 | 15:13:19 735 lượt xem
BPO - Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong tháng 6 vừa qua, nghị trường lại nóng lên khi vị đại biểu Quốc hội của TP. Hồ Chí Minh nêu làn sóng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong công nhân, lao động tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Càng nóng hơn khi đại biểu cho rằng: Nguyên nhân chính của tình trạng rút BHXH một lần là ở sự bất an của người lao động đối với sự ổn định của chính sách BHXH. Vậy là sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 tạm lắng, vấn đề rút BHXH một lần vẫn làm đau đầu không chỉ lãnh đạo ngành BHXH, bởi đây là hệ lụy, hậu quả dây chuyền của suy thoái kinh tế thời hậu Covid-19.

Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề, cũng là điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi ra đời, chính sách BHXH của Việt Nam đã hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, cú sốc về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm. Và hiện tượng công nhân, lao động ồ ạt rút BHXH một lần đã đặt ra biết bao câu hỏi lớn cho các nhà quản lý.

Với hơn 600.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 34.000 người mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm hoặc nghỉ chờ việc thì người lao động buộc phải dựa vào tiền đóng BHXH để chi dùng trong lúc khẩn cấp. Nhưng kể cả người có việc cũng sống trong cảnh chật vật, khó khăn. Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), khoảng 30% người lao động không có tiền tiết kiệm và thường xuyên phải vay mượn để chi trả các chi phí sinh hoạt thường ngày. Bởi thế, tâm lý chung là rút tiền trước chắc ăn hơn là cố đóng cho đủ năm để hưởng lương hưu. Với những người tuổi nghề chưa cao, tuổi nghỉ hưu lại đang tăng theo lộ trình của Luật Lao động, lại càng đẩy họ xa hơn với chế độ hưu trí. Đáng ngại là những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm từ 30-40 tuổi (40,4%); nhóm 20-30 tuổi (37,1%). Trong khi nhóm trên 60 tuổi chỉ khoảng 1,1%. Như vậy, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ và trung niên.

Người lao động có “bất an” với sự ổn định của chính sách BHXH không? Đương nhiên là có. Đó đây, cơ quan chức năng đã khui ra những vụ mua bán, cầm cố sổ BHXH trái pháp luật, đủ thấy tình trạng rút BHXH một lần đang gây nhiều hệ lụy. Nhưng dù có “3 đầu 6 tay” thì ngành BHXH cũng không thể nào “bình thản” trước làn sóng rút BHXH một lần kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Hãy nghe câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Thông lệ quốc tế chỉ cho rút BHXH trong 2 trường hợp: mắc bệnh nan y và chuyển định cư ở nước ngoài thì ở Việt Nam được rút tự do, bằng quyền công dân và không thể cấm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn cho biết, ông đã mời chuyên gia được Liên hợp quốc đánh giá giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm giúp đỡ, nhưng vị chuyên gia này nói rằng Việt Nam hào phóng quá (!?).

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vẫn chưa được thông qua. Với mục đích chính là tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, cơ quan soạn thảo luật cần lắng nghe sâu rộng ý kiến người lao động trước khi ban hành, nhằm đảm bảo pháp luật đi vào đời sống và mang lại lợi ích thiết thực. Trong lúc cả ngành BHXH và người lao động đều lâm vào tình thế vô cùng khó khăn, thì đừng chỉ quan tâm phần ngọn. Việc sửa đổi luật theo hướng giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh là cần thiết, song cần có những giải pháp đồng bộ hơn thay vì chỉ tập trung giải bài toán trước mắt là hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu