Chủ nhật, 19/05/2024 23:20:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:00, 04/07/2023 GMT+7

Quyết liệt vì ngành chăn nuôi sạch

Hồ Ngọc
Thứ 3, 04/07/2023 | 04:00:49 505 lượt xem
BPO - Ngày 13-7-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Tại khoản 2 Điều 3 của nghị định này có quy định: Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi hoạt động trước ngày nghị định này có hiệu lực (13-7-2022) được tiếp tục hoạt động và làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành.

Thực hiện quy định nêu trên, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Công văn số 491/CN-MTCN về việc chấp hành pháp luật về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, Cục Chăn nuôi đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhưng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định tại điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định số 46/2022/NĐ-CP gửi Cục Chăn nuôi để được thẩm định, đánh giá, cấp chứng nhận trước ngày 13-7-2023. Đến thời hạn nêu trên, Cục Chăn nuôi sẽ công bố danh sách các cơ sở có sản phẩm chăn nuôi chưa đủ điều kiện xử lý chất thải để được lưu hành trên thị trường… 

Cũng theo công văn nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi sẽ tiến hành các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất có sản phẩm không đáp ứng quy định pháp luật hiện hành. Ngay sau khi công văn nêu trên được Cục Chăn nuôi ban hành, trong dư luận xã hội và cộng đồng mạng có rất nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, có nhiều ý kiến cho rằng, nội dung công văn nêu trên chỉ mang ý nghĩa nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi, hoạt động dịch vụ và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi cần sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Vì thế, hiệu quả của việc ngăn chặn các cơ sở chăn nuôi không đủ điều kiện về xử lý chất thải không cao. 

Trong đó, mức phạt hành chính đối với việc xử lý chất thải chăn nuôi đối với nông hộ và chủ trang trại theo quy định hiện hành lại không đủ sức răn đe. Cụ thể, căn cứ theo Điều 31 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với nông hộ có hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Đối với chủ trang trại thì mức phạt gấp hai lần. Ngoài ra, người vi phạm còn bị biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường… 

Chính vì mức phạt nêu trên đã vô tình tạo cho không ít người cố tình chây ỳ trong việc xử lý chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trường hợp khiếu kiện đông người ở các huyện có nhiều trang trại chăn nuôi. Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 30 trang trại. Để người dân được sống trong môi trường trong lành và sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp quyết liệt và triệt để hơn đối với những cơ sở chăn nuôi vi phạm về xử lý chất thải. Cụ thể là công khai danh tính những cơ sở vi phạm về xử lý chất thải. Đối với UBND cấp tỉnh, huyện, không cấp phép đầu tư cho các dự án không đảm bảo vệ sinh môi trường và công nghệ xử lý chất thải.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu