Chủ nhật, 19/05/2024 21:26:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 03/07/2023 GMT+7

Tinh giản biên chế chưa bao giờ hết nóng

Minh Luận
Thứ 2, 03/07/2023 | 04:45:46 782 lượt xem
BPO - Trong tháng 7 này, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định. Vì vậy, câu chuyện về tinh giản biên chế đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và chưa bao giờ hết “nóng” mỗi khi đến kỳ thực hiện.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan công quyền, tiến tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sắp xếp, tinh gọn như thế nào để đảm bảo công bằng, dân chủ và hiệu quả thực chất là vấn đề người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên quan tâm. 

Tinh giản biên chế không đơn thuần là phép trừ đơn giản. Nó đòi hỏi vai trò, trách nhiệm rất cao của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Bởi thực hiện không khéo rất dễ dẫn đến tâm tư, tinh thần làm việc và hiệu quả không thực chất. 

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 15-10-2018 đến 31-12-2022, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tinh giản được gần 80.000 người. Trong đó, tỷ lệ tinh giản biên chế do đánh giá hằng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (hơn 52%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (15%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (15%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo (3%). Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa như mong muốn, nhiều nơi nảy sinh những bất cập vì cách làm dẫn đến phải ký hợp đồng lại với cán bộ, nhân viên...

Nghị định số 29 sắp có hiệu lực, ngoài bổ sung các chính sách hấp dẫn hơn trong thực hiện tinh giản biên chế, đồng thời quy định rõ những trường hợp không thuộc diện tinh giản, nghị định còn bổ sung thêm một số đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế mới. Đó là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện tinh giản; người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực. Ngoài ra, là những người chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn; có hai năm liên tiếp liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế, có một năm hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhiệm vụ mà không bố trí được công việc khác; có hai năm liên tiếp mà mỗi năm có tổng ngày nghỉ do ốm đau cao hơn số ngày nghỉ quy định… Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại tổ chức không hưởng lương từ ngân sách hoặc thôi việc.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20-7 và áp dụng đến năm 2030. Đây được coi là giải pháp giúp các cơ quan nhà nước thanh lọc bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm việc cầm chừng, ngại va chạm, né tránh trách nhiệm gây cản trở công việc. 

Mục tiêu thì đã rõ, nhưng cách làm như thế nào phải có sự ứng biến linh hoạt, tránh tình trạng giao chỉ tiêu hoặc cào bằng. Bởi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đặc thù công việc khác nhau, chỉ tiêu tăng - giảm phải phù hợp để tránh hiệu quả bằng không, hoặc chỉ giảm về lượng mà không nâng cao hơn về chất. Đặc biệt phải có sự chuẩn bị đầy đủ các bước theo quy trình, sát đúng thực tiễn. Cùng với đó là sắp xếp tinh gọn bộ máy, giao tự chủ và xã hội hóa ở những đơn vị có thể thực hiện tư nhân hóa. Đó cũng là cách tinh giản biên chế mà không phải là phép trừ cơ học.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu