Chủ nhật, 19/05/2024 20:53:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:47, 29/06/2023 GMT+7

Khi lao động giá rẻ không còn lợi thế

Lâm Phương
Thứ 5, 29/06/2023 | 04:47:01 1,078 lượt xem
BPO - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31-5-2023, cả nước có 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp (DN)) bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.

Đáng chú ý là có tới hơn 54% lao động bị thôi việc, mất việc, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện trong tháng 6, thậm chí vẫn có không ít DN tiếp tục có kế hoạch cho lao động nghỉ việc, giãn việc trong thời gian tới.

Bên cạnh tình trạng cắt giảm lao động thì nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Minh chứng là 4 tháng đầu năm 2023, các DN trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 481.200 lao động, riêng DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tuyển dụng 146.000 người, nhưng phần lớn đều đòi hỏi lao động có tay nghề, kỹ năng và đã qua đào tạo.

Thực tế, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số “vàng”, nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là “vàng”, bởi tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26,1%. Trước đây lao động phổ thông không có chứng chỉ, bằng nghề vẫn dễ dàng tìm được việc làm, thì nay dưới tác động của khoa học - công nghệ và quá trình tái cấu trúc lại DN, người lao động không có trình độ, kỹ năng, lao động giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí lực lượng lao động này rất khó thích ứng để tìm cho mình một “chỗ đứng” ổn định. Dự báo trong tương lai gần, cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng sẽ chịu sức ép rất lớn về giải quyết việc làm và phải đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm.

Trước những bất lợi của thị trường lao động hiện nay, để người lao động vượt qua khó khăn do bị mất việc làm, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng phải có những giải pháp thực hiện đồng bộ, từ việc thực hiện tốt các chính sách hiện hành để tạo việc làm, giữ việc làm cho người lao động cho tới ban hành thêm các gói hỗ trợ trực tiếp người lao động. Trong đó, ưu tiên thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại DN để giải quyết kịp thời vấn đề thiếu hụt kỹ năng lao động; tăng cường kết nối DN với hệ thống cơ sở dữ liệu nghề nghiệp, phát triển mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN, đào tạo lại, đào tạo nâng cao thường xuyên, liên tục cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhất là lao động đang có việc làm trong các DN nhỏ và vừa.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học nghề, đồng thời gắn kết hoạt động giáo dục nghề nghiệp với DN, góp phần tạo nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động hiện nay.

Cùng với đó, các ngành, địa phương, DN cũng phải phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Nhất là lao động trẻ, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ, bảo đảm về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, giúp đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, bản thân người lao động cũng phải tự ý thức nâng cao trình độ, tay nghề bằng việc chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng... qua việc tham gia học nghề.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu