Chủ nhật, 19/05/2024 21:10:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:35, 28/06/2023 GMT+7

Lựa áo cho vừa

Trần Phương
Thứ 4, 28/06/2023 | 04:35:57 820 lượt xem
BPO - Hôm nay (28-6), hơn 1 triệu học sinh trong cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Đây là một bước ngoặt rất quan trọng của các em, có lẽ ai cũng đã rõ. Thế nhưng bước ngoặt đó quan trọng như thế nào?

Từng có thời kỳ, tốt nghiệp THPT được cấp bằng tú tài, sau đổi thành bằng tốt nghiệp THPT. Tú tài là tên gọi xuất phát từ thời phong kiến, là học vị của người thi đậu kỳ thi hương - bậc thi toàn quốc đầu tiên trong 3 cấp thi cử khoa bảng (thi hương, thi hội, thi đình). Dẫn ra như thế để thấy dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và kỳ thi THPT hằng năm ở nước ta nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội.

Kỳ thi THPT năm 2022, ở Hà Nội có thí sinh là cụ ông đã 82 tuổi và nữ thí sinh đã 53 tuổi tham dự. Kỳ thi năm 2015 cũng có một lão nông 70 tuổi ở tỉnh Bến Tre đã đậu tốt nghiệp THPT sau 2 năm liên tiếp thi trượt... Các thí sinh đặc biệt ấy là những tấm gương vô cùng đẹp đẽ, tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh tiếp tục truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, một truyền thống quý báu được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử và được bạn bè năm châu quý trọng. Đó cũng là chất xúc tác để người Việt Nam có tố chất thông minh như thông cáo của website Wich-com tại Phần Lan, một website chuyên kiểm tra chỉ số thông minh IQ uy tín toàn cầu, công bố kết quả kiểm tra IQ năm 2022, người Việt Nam xếp thứ 9 thế giới. 

Những điều tốt đẹp ấy có lẽ ai cũng tự hào. Thế nhưng, không riêng với thí sinh khi bước vào kỳ thi THPT, đó cũng là một áp lực vô hình rất lớn đối với hầu như tất cả phụ huynh và học sinh ở mọi cấp học. Bởi để đến được kỳ thi THPT, các em phải trải qua 12 năm đèn sách chứ không chỉ trong 1 năm học.

Cũng vì áp lực đó, khó tin với nhiều nền giáo dục khác nhưng có thật ở nước ta, khi nhiều bậc cha mẹ đã cho con đi học thêm, học hè từ khi con mình còn ở bậc… mầm non. Một điều khó tin khác, đó là kỳ nghỉ hè, trong khi học sinh cả thế giới được vui chơi, trải nghiệm cuộc sống trong 3 tháng theo đúng tên gọi “nghỉ hè”, hàng triệu học sinh Việt Nam lại cuốn vào các lớp học bồi dưỡng kiến thức, ôn tập, học trước chương trình, học thêm… Và rất nhiều gia đình đã nảy sinh xung đột vì bất đồng quan điểm về việc này. 

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con mình học càng nhiều càng tốt, học nhiều mới học giỏi được. “Cả xã hội bây giờ như thế, cả trường như thế, cả ngành giáo dục bây giờ như thế, con chúng ta không học thêm, không học hè, khi vào học chính thức làm sao theo kịp chương trình, theo kịp các bạn trong lớp”… Đó là lập luận có lẽ cuộc xung đột nào cũng được dẫn ra. Lớp 1 có giỏi thì lớp 2 mới giỏi thì được, tiểu học có giỏi THCS mới giỏi, THPT có giỏi mới vào được đại học. Học có giỏi mới xin được việc thuận lợi và mới làm việc được tốt, có cuộc sống sau này tốt hơn...

Thế nhưng cũng không ít người cho rằng học nhiều chưa chắc đã tốt, thậm chí phản tác dụng. Không phải ngẫu nhiên 1 tiết học có 45 phút, 1 ngày học trên lớp 1 buổi 4-5 tiết học… Không phải tự dưng tất cả các nền giáo dục đều có những tháng hè cho học sinh nghỉ học. Tất cả đều đã được nghiên cứu qua nhiều thế hệ giáo dục - đào tạo. Hè là để các em tạm quên những gì đã học để bước vào năm học mới học kiến thức mới được tốt hơn. Học trước chương trình là phản tác dụng, vì khi học chính thức học sinh mất đi sự hứng thú, dễ lẫn lộn kiến thức... Kiến thức học tiểu học, kiến thức trung học, cơ bản khi trưởng thành không sử dụng trong thực tế cuộc sống, nên điều đứa trẻ cần là thói quen, đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống chứ không phải kiến thức trong sách giáo khoa…

Có học mới thành tài. Không học thì không thể lấy đâu ra “chữ” bỏ vào trong đầu. Và từ ngàn xưa cha ông ta đã đúc kết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bước vào kỳ thi THPT hay bất kỳ kỳ thi nào, đều cần sự nỗ lực hết mình, có nỗ lực mới có được kết quả tốt nhất. Và không chỉ với thí sinh sau kỳ thi THPT phải đăng ký nguyện vọng tuyển sinh thật chính xác mới đem lại kết quả như mong muốn, mà mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi học sinh ở tất cả cấp học cần có lựa chọn hợp lý với điều kiện của riêng mình, phù hợp với năng lực, sở trường, ước mơ, nguyện vọng, hoàn cảnh kinh tế và thực tế xã hội. Bởi giống mặc một cái áo, nếu quá rộng, hoặc quá chật, hoặc kiểu dáng không phù hợp… là một sự thất bại và không khác gì một cực hình.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu