Chủ nhật, 19/05/2024 23:20:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 18:00, 20/06/2023 GMT+7

KỶ NIỆM 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2023)

Cơ hội nào cho báo chí trước cuộc cách mạng 4.0?

Trần Phương
Thứ 3, 20/06/2023 | 18:00:04 725 lượt xem
BPO - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, mạng xã hội và truyền thông xã hội phát triển như một cơn lốc. Một câu hỏi rất lớn đặt ra: Cơ hội nào cho báo chí, khi sân chơi đã có thêm đối thủ lớn chưa từng có trong lịch sử?

Qua hàng trăm năm kể từ khi xuất hiện cho thấy, mỗi một bước phát triển của báo chí là một sự vật lộn đầy khắc nghiệt. Nền báo chí cách mạng Việt Nam có dấu mốc ra đời ngày 21-6-1925 - ngày xuất bản số đầu tiên của tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Song trước đó, một dạng thức khác của báo chí đã từng tồn tại thời gian dài ở xã hội phong kiến, khi tin tức được đem đi rao trong cộng đồng. Và người đi rao ấy là những “thằng mõ” - người có vị trí xã hội rất thấp, chỉ được gọi là “thằng”. Và “thằng mõ” đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi báo chí chính thức ra đời. 

Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử lần lượt xuất hiện. Mỗi khi xuất hiện một loại hình báo chí mới, một đối thủ mới, là một lần các loại hình báo chí đang tồn tại trước đó đặt ra dấu hỏi: Tồn tại hay đứng sang một bên. Và rồi tất cả các loại hình báo chí, những lần đó đều tìm ra lối đi mới cho riêng mình, phát triển lên một cấp độ mới, hoàn thiện hơn, hữu dụng hơn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc chóng mặt. Tương tự như những lần đổi thay trước đó, đây cũng là cơ hội không thể tốt hơn để báo chí một lần nữa hoàn thiện chính mình.

Có 1.001 vấn đề được đặt ra với báo chí trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, cho dù là 1.001 hay 10.001 vấn đề cũng vậy, cốt lõi vẫn là câu hỏi: Công chúng cần gì và báo chí có thể đem gì đến với công chúng? Câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng không dễ trả lời, khi đề bài lần này không phải báo chí xuất hiện một loại hình báo chí mới - có thể xem như những người anh em trong ngôi nhà chung báo chí, cùng chung sự quản lý, cùng chung mục tiêu… chỉ khác nhau về loại hình, mà là mạng xã hội, truyền thông xã hội, là đối thủ không trong ngôi nhà chung báo chí, với mục tiêu khác và chủ quản cũng rất khác biệt.

Ngày 4-6-2023, đoạn video 7 phút Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy hát, nhảy như ca sĩ tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng ACB, đã lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Đây không phải là một phóng sự, một sản phẩm báo chí, nhưng sức nóng, sự quan tâm đối với từ khóa “Trần Hùng Huy”, “Chủ tịch ACB” ngay lập tức tràn ngập trên ineternet và mạng xã hội với hàng triệu lượt xem, hàng trăm ngàn lượt thảo luận, bình luận, đánh giá trên các hạ tầng và kéo dài nhiều ngày sau đó. Các chuyên gia lĩnh vực PR, truyền thông đánh giá, đoạn clip đó mang lại hiệu quả truyền thông làm cả năm trời cũng không bằng. Hầu như tờ báo điện nào cũng đưa tin vì sức hút của sự kiện này. Trong câu chuyện ấy, báo chí đã phải chạy theo truyền thông xã hội để thu hút công chúng đến với báo chí. Ngân hàng ACB không cần mời báo chí hay thuê các kênh truyền thông để xuất hiện trên tay công chúng…

Có nhiều điều để nói về sự kiện này, nhưng qua đó, với báo chí có thể nói ngắn gọn rằng: Luật chơi đã thay đổi. Công nghệ Big DATA ra đời với nền tảng số phát triển, báo chí và truyền thông xã hội đều buộc phải thay đổi cách chơi trên chính sân chơi của mình. Ranh giới và vai trò của báo chí - truyền thông không còn như trước. Khoảng cách và hiệu ứng của báo chí và truyền thông rất mong manh. Dư địa của cả báo chí và truyền thông giờ đây gần như nhau, khi độ chuyên nghiệp của sản phẩm đôi khi báo chí không theo kịp xu thế, công chúng có đầy đủ phương tiện, điều kiện, không gian… tiếp nhận thông tin.

Vì thế, có thể thấy, báo chí nếu không tìm ra cách tiếp cận công chúng mới, không đem lại thực đơn đáp ứng được nhu cầu mới của công chúng, vẫn là thực đơn cũ hay na ná như truyền thông thông xã hội, báo chí chỉ chạy theo truyền thông xã hội như câu chuyện ACB vừa dẫn, đồng nghĩa báo chí sẽ thất bại trên chính sân chơi truyền thống của mình.

Có 1.001 vấn đề đặt ra phía sau đề bài này mà trong 1 bài viết khó có thể gói gọn được. Thế nhưng, tương tự tất cả những lần thai nghén, rồi hoàn thiện trong lịch sử, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Như tất cả các lĩnh vực khác trong dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0, báo chí với con người bảo thủ, thậm chí lơ ngơ, ù ù cạc cạc, sẽ chỉ dần lụi tàn. Ngược lại, nếu có nhân tố, nhân lực đủ hiểu biết, đủ tâm huyết, nắm bắt được thời cơ và vì sự phát triển chung, báo chí sẽ phát triển lên một tầm cao mới.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu