Chủ nhật, 19/05/2024 23:32:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 17:34, 20/06/2023 GMT+7

KỶ NIỆM 98 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2023)

Những chuyện… ngại nói

Thảo Linh
Thứ 3, 20/06/2023 | 17:34:24 426 lượt xem
BPO - Hôm qua, người đồng nghiệp cũ ở tòa soạn Báo T.H nghỉ hưu sau tôi 2 năm gọi điện khoe rằng, con trai anh mới đoạt giải khuyến khích Giải báo chí quốc gia năm 2022. Nghe giọng, thấy anh rất phấn khích với giải của thằng bé. Anh nói, lúc nhỏ suốt ngày nó chỉ thích chơi với cờ lê, mỏ lết nên từng khiến anh thất vọng nghĩ rằng nó chỉ làm thợ mà thôi. Vậy mà ở tuổi 33, nó đã nỗ lực và trở thành Phó Thư ký Tòa soạn của Báo T.H. Tôi mừng cho cha con anh, không quên hỏi ngoài giải của “thằng bé cờ lê, mỏ lết”, Báo T.H còn giải nào nữa không?

Như “chạm” trúng mạch, anh nói một lèo. Làm gì có. Mình mới nghỉ hưu nên thi thoảng cũng được lãnh đạo Báo T.H mời viết mấy chuyên mục mà lúc còn làm việc mình thường hay viết. Vì thế cũng biết đôi chút về tình hình công việc ở tòa soạn, trong đó có việc tham gia các giải của Trung ương. Nói thật, không phải thấy con trai đoạt giải mà mình “quan trọng hóa” cái giải “khúc khích” của thằng bé. Chỉ là từ cái giải của nó, mình biết rằng để có được giải quốc gia, với báo địa phương chẳng đơn giản chút nào. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh nhiệt tình giải thích:

Thứ nhất, để có giải - dù là thấp, trước hết câu chuyện mình nêu phải “ra tấm ra miếng”. Vấn đề này, các báo Trung ương có lợi thế hơn hẳn báo địa phương, bởi khi tìm thấy vấn đề gì đó, họ sẽ khai thác ở quy mô liên tỉnh, liên vùng; có thể rút ra những vấn đề mang tính quy luật nên tính thuyết phục cao. Là báo Trung ương, phóng viên có “vị thế” hơn hẳn khi đặt vấn đề với lãnh đạo các tỉnh và bộ, ngành liên quan để phỏng vấn. Trong khi báo địa phương chỉ tiếp xúc vấn đề ở phạm vi nhỏ của tỉnh. Và khi đặt vấn đề với lãnh đạo ngành, địa phương, không phải phóng viên báo tỉnh nào cũng may mắn nhận được sự đồng tình, hỗ trợ, sẵn sàng cung cấp thông tin của những người có trách nhiệm và nắm vững vấn đề. Và câu hoãn binh thường nghe nhất là, để chúng tôi trao đổi trong cấp ủy hoặc xin ý kiến cấp trên rồi sẽ trả lời. Nhưng rồi họ sẽ quên hoặc cố tình quên đi cái hẹn “sẽ trả lời” ấy! Trong hoàn cảnh ấy, phóng viên báo tỉnh sẽ phải tìm đề tài khác, nếu bị thúc ép phải có tác phẩm dự thi!

Thứ hai, không biết trong ấy (Bình Phước) thế nào chứ ngoài này, hầu hết phóng viên không muốn tham gia các giải Trung ương. Báo T.H có hơn 40 phóng viên, cả hợp đồng và biên chế, thế nhưng người mang giải Trung ương, khu vực về cho cơ quan trong mấy năm gần đây hầu như là do lực lượng ở nhà (Tòa soạn, Bạn đọc - giải quyết đơn thư) thực hiện. Vì sao ư? Vì nhuận bút giờ cao hơn trước nhiều rồi. Các phóng viên thực hiện những bài viết, chuyên mục thông thường sẽ dễ dàng hơn, khỏe hơn, nhanh hơn và được đăng ngay; nhuận bút lại được trả ngay trong tháng sau đó nên họ không muốn phải đau đầu đi tìm đề tài, phải vượt qua nhiều trở ngại trong quá trình tìm tư liệu, phải động não tìm phương pháp thể hiện sao cho tác phẩm đủ hấp dẫn mới có thể gửi đi dự thi. Thời gian thực hiện mỗi tác phẩm dự thi là tuần, là tháng hay vài tháng là do sự may mắn và cả sự chăm chỉ cùng kỹ năng, sức sáng tạo của nhà báo. Và nếu may mắn đoạt giải… khuyến khích như thằng bé nhà tôi thì giải thưởng cao lắm cũng chỉ 4-5 triệu đồng!

Điều quan trọng nữa là thành viên Ban giám khảo các cuộc thi báo chí cấp khu vực và quốc gia thường là những nhà báo, nhà lý luận phê bình, chuyên gia văn hóa có tầm cỡ. Họ chỉ quen đọc và quan tâm đến những vấn đề to tát, mang tầm vĩ mô chứ ít quan tâm đến những vấn đề “vụn vặt” ở cơ sở. Thế nên các phóng viên báo địa phương qua được “vòng gửi xe” là may lắm rồi. Nếu có giải thì cũng chỉ trong cơ cấu giải thấp, làm sao với được A với B!

Nghe anh chia sẻ, tôi chợt nhớ tới câu hỏi của một học viên đối với nhà báo Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân tại lớp tập huấn kỹ năng viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước hôm 2-6 vừa qua. Rằng những cuộc thi viết cấp quốc gia thì Ban tổ chức nên có cơ cấu giải cho báo chí Trung ương và báo chí địa phương. Mới nghe thì thấy ý kiến này có vẻ không ổn, nhưng nghĩ kỹ một chút và qua những nhận xét của người đồng nghiệp ở Báo TH, tôi thấy rất hợp lý. Bởi có như thế mới tạo nên sự công bằng trong việc đánh giá tác phẩm. Vì đôi khi không phải cứ bằng nhau chằn chặn mới là công bằng!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu