Chủ nhật, 19/05/2024 22:59:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:48, 15/06/2023 GMT+7

Trẻ em như búp trên cành...

Lâm Phương
Thứ 5, 15/06/2023 | 04:48:52 919 lượt xem
BPO - Theo số liệu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ trẻ em ở độ tuổi dưới 18, chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, lao động trẻ em đang diễn ra phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, khiến nhiều trẻ em phải bỏ học, bị thương tật do tai nạn khi lao động hoặc làm việc quá sức. Trong hầu hết các trường hợp đó, trẻ em không được đi học và chăm sóc sức khỏe, hạn chế các quyền cơ bản và bị đe dọa đến tương lai.

Báo cáo về lao động trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố năm 2021 chỉ rõ, số trẻ em lao động trên toàn thế giới đã tăng lên đến 160 triệu trẻ, đi ngược với xu hướng giảm trước đó, khi mà từ năm 2000-2016, số trẻ em lao động giảm còn 94 triệu. Ở Việt Nam, hiện vẫn còn tình trạng nhiều trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đang phải tham gia vào lực lượng lao động. Thay vì được cha mẹ bao bọc, được đến trường học tập, các em phải lo toan gánh nặng mưu sinh, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, trang trải việc học. Những đứa trẻ này phải làm đủ mọi nghề kiếm sống, như bán vé số, nhặt ve chai, phụ quán... Có những em mới 2, 3 tuổi phải theo gia đình đi bán hàng rong, thậm chí bị các đối tượng xấu lợi dụng làm bình phong giúp chúng trục lợi bằng những việc làm phi đạo đức. 

Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp. Tình trạng này không chỉ dẫn đến các em bị tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần mà còn cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho các em, làm mất đi các quyền của trẻ em và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên trong một môi trường lành mạnh và an toàn. Để hạn chế thấp nhất tình trạng lao động trẻ em, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Trong đó, giải pháp ưu tiên hàng đầu là phải nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nhất là thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục pháp luật về kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại cho trẻ, đặc biệt cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ và chính bản thân trẻ. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ bị xâm hại, tai nạn thương tích…

Song song đó, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội bảo vệ quyền trẻ em cũng phải thường xuyên đổi mới, giúp các cấp, ngành, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em kịp thời nắm bắt, thay đổi hành vi. Từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực làm gián đoạn việc học của con em cũng như sự gia tăng nguy cơ lao động trẻ em trong các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, trẻ em phải là đối tượng ưu tiên bằng những việc làm cụ thể, như tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo, hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp…

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu