Chủ nhật, 19/05/2024 20:22:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:41, 14/06/2023 GMT+7

Lấy phiếu tín nhiệm và quy luật của sự phát triển

Trần Phương
Thứ 4, 14/06/2023 | 04:41:00 767 lượt xem
BPO - Từ ngày 12 đến 15-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ 5, cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết đang trình Quốc hội xem xét, thông qua, trong đó có nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Thời điểm này, các cấp ủy đảng cơ sở trong cả nước cũng gần như hoàn tất việc lấy phiếu tín nhiệm của đơn vị mình. Tiếp đến là bước lấy phiếu tín nhiệm của cấp ủy các cấp cao hơn. Đây là đợt sinh hoạt chính trị vô cùng ý nghĩa với toàn hệ thống chính trị, qua đó không chỉ góp phần đánh giá cán bộ hiệu quả hơn chính xác hơn, mà còn tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.

Có thể thấy, đánh giá đúng cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc sẽ tạo nên hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, tạo động lực cho sự phát triển. Ngược lại, nếu đánh giá cán bộ, bố trí công tác không sát, thiếu chính xác sẽ để lại hậu quả khôn lường, khi đó là những người có chức vụ, có quyền lực và có tác động sâu rộng ở các phạm vi khác nhau. Việc đánh giá cán bộ thông qua nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau và lấy phiếu tín nhiệm là một trong những kênh đó.

Ngày 17-2-2023, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là vấn đề mới, trước đây đã có Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quá trình tổng kết Quy định số 262-QĐ/TW cho thấy, ngoài kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, như: Một bộ phận người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm; vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao, có biểu hiện lợi ích nhóm. Một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước…

Qua những lần lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều cấp độ khác nhau, có cán bộ uy tín thấp đã tự soi và tự sửa. Song cũng không ít cán bộ chủ chốt ở cả Trung ương và địa phương khi được lấy phiếu tín nhiệm có kết quả tín nhiệm cao, nhưng sau đó bị kỷ luật, nhiều cán bộ còn bị khởi tố, phải nhận các bản án thích đáng của tòa án.

Báo cáo tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 diễn ra tháng 6-2022 cho thấy trong 10 năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Điều đáng nói là trước đó những cán bộ, tổ chức bị kỷ luật này đều được xếp loại tín nhiệm cao, trong sạch vững mạnh.

Thời gian gần đây, công tác đánh giá, bố trí cán bộ của Đảng ta đã có những bước phát triển mới và sẽ không ngừng tiếp tục phát triển. Vì thế, việc lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ ngày một hiệu quả hơn, loại bỏ được cán bộ năng lực kém, phẩm chất tồi ngày một nhiều hơn. Đó là quy luật tất yếu của sự phát triển vậy.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu