Chủ nhật, 19/05/2024 21:56:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 13/06/2023 GMT+7

Không thể là “chuyện nhà…”

Hồ Ngọc
Thứ 3, 13/06/2023 | 04:45:29 847 lượt xem
BPO - Từ ngày 4-5-2023, giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh lên mức 1.920,3732 đồng/kWh, tăng 3%. Như vậy, từ năm 2010 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, nhưng ngay sau đó EVN vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị được điều chỉnh tăng giá điện vào tháng 9-2023. Vấn đề này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm nóng nghị trường Quốc hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6-6-2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-6-2023. Trong quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thành lập đoàn thanh tra nêu rõ, năng lượng nói chung, điện nói riêng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, nếu để xảy ra tình trạng thiếu điện dù bất kỳ lý do gì thì EVN cũng cần chỉ rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng, kịp thời.

Trong quyết định nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện, tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đồng thời, đoàn thanh tra cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ. Bộ trưởng đã phân công Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thay mặt Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra và giao Chánh Thanh tra bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan. 

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có các đại biểu Quốc hội mà còn được đông đảo người dân trong cả nước đặc biệt quan tâm là đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN cần trả lời rõ ràng, công khai, minh bạch những câu hỏi: EVN có lỗ thật không, có phải mua giá cao, bán giá điều tiết hay không? Tình trạng thiếu điện đã được dự báo từ nhiều năm trước nhưng vẫn xảy ra và lại vào giữa mùa cao điểm nắng nóng? Tại sao công suất lắp đặt lên tới 69.000 MW, nhưng công suất phát điện khả dụng chỉ đạt cao nhất là 41.558 MW. Điều đó có nghĩa một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được lên lưới điện quốc gia.

Chính vì nguồn cung thì thừa, nhưng điện vẫn thiếu nên dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra ở cả nhiều khu dân cư lẫn các khu công nghiệp. Việc tiết giảm điện đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, dư luận mong rằng, EVN cần rà soát lại hệ thống chính sách về phát triển năng lượng, phải bảo đảm hài hòa các nguồn năng lượng với nhau, giữa năng lượng hóa thạch, thủy điện và năng lượng tái tạo. 

Đã có ý kiến cho rằng, EVN cần có chiến lược xây dựng hệ thống nguồn cung cũng như lưới điện quốc gia phù hợp tình hình phát triển của từng khu vực và cả nước. Ai cũng biết rõ, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải có lãi, nhưng việc tăng giá cần được công khai, minh bạch đầu vào và đầu ra mới mang đặc trưng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và cũng đã đến lúc những gì EVN không làm được thì để người khác làm, tránh tình trạng lợi dụng độc quyền để làm méo mó thị trường, gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cử tri quan tâm nhất hiện nay là đoàn thanh tra liên ngành phải tránh tình trạng “chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau”!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu