Chủ nhật, 19/05/2024 23:20:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:55, 12/06/2023 GMT+7

Thể hiện tầm cao văn hóa

Minh Luận
Thứ 2, 12/06/2023 | 04:55:32 837 lượt xem
BPO - Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc. Lời kêu gọi được truyền đi như lời hiệu triệu thôi thúc đồng bào, chiến sĩ cả nước ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, trong thời chiến cũng như thời bình, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chính phong trào thi đua ái quốc đã tạo động lực để nhà nhà thi đua, người người thi đua, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, vùng miền…, toàn dân tộc Việt Nam như một đã tạo ra phong trào thi đua rộng khắp, góp phần cung cấp sức người, sức của cho mục tiêu chung của đất nước. Chính phong trào thi đua yêu nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, động lực thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vận hành đưa đoàn tàu Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước. Và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia được đánh giá cao, đi đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước ở một số nơi, lĩnh vực, ngành, địa phương trong một vài thời điểm còn mang tính hình thức, lý thuyết suông. Hô hào rầm rộ, mạnh mẽ, nhưng thực hiện thì “đầu voi đuôi chuột”. Nói nhiều làm ít hoặc nói chưa đi đôi với làm… Không ít phong trào thi đua có “phát” mà không “động”, thậm chí nặng về hình thức, không sát thực, khó đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, thi đua thường gắn liền với khen thưởng, trong đó thi đua là quá trình vận hành, xây dựng và vun đắp, là chặng đường để đánh giá, khen thưởng; khen thưởng là quả ngọt, là thành công, sự ghi nhận, là động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Nếu thi đua được phát động rộng rãi, đảm bảo khách quan, dân chủ, thực chất thì khen thưởng sát, đúng và là động lực cho phát triển. Ngược lại, khen không đúng việc, thưởng không đúng người, không kịp thời sẽ vô tình làm thui chột tài năng, giảm ý chí phấn đấu, tinh thần lao động, làm việc của tập thể, cá nhân.

Lẽ thường, người làm tốt, tích cực thi đua, đạt nhiều thành tích nổi bật thì được tuyên dương, khen thưởng. Thế nhưng thực tế vẫn còn tình trạng tuyên dương, khen thưởng chưa sát, đúng, kịp thời. Ở một vài nơi còn tình trạng khen thưởng cào bằng hoặc phân bổ chỉ tiêu dẫn đến nhiều cá nhân, tập thể tích cực không được khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời vì hết chỉ tiêu. Ở một vài nơi vì lấy cho hết chỉ tiêu mà có những tập thể, cá nhân được khen thưởng, nhưng chưa xứng đáng, phù hợp. Đâu đó vẫn còn tình trạng khen thưởng luân phiên, khen thưởng cán bộ, lãnh đạo nhiều hơn lực lượng trực tiếp xung kích trong các phong trào thi đua, làm ra sản phẩm, đem lại lợi ích cho tập thể, cơ quan; khen thưởng mà chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực…

3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cuối năm là thời điểm các cơ quan, đơn vị đánh giá xếp loại thi đua, khen thưởng. Hơn lúc nào hết khen thưởng phải gắn liền với thi đua, thi đua phải có khen thưởng. Đặc biệt, có khen thưởng cũng phải có xử phạt nghiêm minh. Làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, xử lý vi phạm đúng người, đúng tội sẽ là động lực, niềm tin, khích lệ các phong trào thi đua lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thi đua - khen thưởng không đơn thuần là hoạt động chính trị - xã hội, làm đúng công tác thi đua - khen thưởng còn là thước đo, thể hiện tầm cao văn hóa và là liệu pháp khắc phục bệnh thành tích, “chạy” danh hiệu, “chạy” bằng khen, giấy khen.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu