Chủ nhật, 19/05/2024 19:50:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:32, 08/06/2023 GMT+7

Đổi mới để thích ứng

Lâm Phương
Thứ 5, 08/06/2023 | 07:32:48 1,104 lượt xem
BPO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 7-6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Tính đến ngày 31-12-2022, còn khoảng 64.000 đơn đăng ký nhãn hiệu chậm xử lý, đơn cấp bằng sáng chế cũng tồn đọng hàng chục ngàn đơn.

Người đứng đầu Bộ KH&CN cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên một phần do những năm qua, kinh tế phát triển nên các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, bằng sáng chế tăng cao. Trong khi đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế; các thủ tục và quy trình tiếp nhận, xem xét, xử lý hồ sơ còn chậm. Ông Huỳnh Thành Đạt cũng chia sẻ, việc chậm ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý hồ sơ cũng khiến việc giải quyết yêu cầu bị chậm trễ.

Nhãn hiệu hàng hóa, văn bằng sáng chế là những tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Việc quan tâm xử lý kịp thời đăng ký nhãn hiệu, văn bằng sáng chế không chỉ giúp quản lý tốt vấn đề sở hữu trí tuệ mà còn tác động tích cực vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cho thấy, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chính là tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. Đây còn được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thương trường.

Thực tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã và đang thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sáng tạo, đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ; phát triển kinh doanh, xuất nhập khẩu; điều chỉnh sản phẩm, kiểu dáng, thương hiệu và bao bì thích ứng với thị trường mới; tránh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sao chép, giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa… Với lợi thế đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã nỗ lực phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; tiến hành đăng ký bảo hộ phát minh, sáng chế… Tuy nhiên, do những vướng mắc trong quy trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến làm chậm việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, tình trạng này còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí dẫn đến tranh chấp thương mại.

Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế... Để mở rộng thị trường, giao thương với các nước thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi lĩnh vực sở hữu trí tuệ cần có những điều chỉnh tương thích. Tuy nhiên, quy trình đăng ký nhãn hiệu với nhiều loại thủ tục rườm rà và thời gian thực hiện kéo dài, lại chậm ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý hồ sơ đã và đang là trở ngại rất lớn với người dân và doanh nghiệp.

Đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 là yêu cầu tiên quyết đối với tất cả bộ, ngành, địa phương để phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, quản trị tốt quốc gia; quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp... Trước yêu cầu nêu trên, muốn giảm thiểu tình trạng tồn đọng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi ngành KH&CN phải tập trung đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính; tập trung rà soát, cắt giảm các khâu thẩm định; cải cách trình tự, thủ tục xử lý đơn sao cho đơn giản, minh bạch, từng bước rút ngắn thời gian các bước thực hiện, bảo đảm phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu