Chủ nhật, 19/05/2024 22:50:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:51, 03/06/2023 GMT+7

Giảm nghèo bền vững

Thảo Linh
Thứ 7, 03/06/2023 | 06:51:00 1,062 lượt xem
BPO - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2023 trên địa bàn. Đây là chương trình thường niên của tỉnh, được triển khai từ năm 2019. Theo đó, mỗi năm Bình Phước phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Với một tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 20%, chủ trương này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của UBND tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu.

Với quan điểm phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các tỉnh, thành bạn, Bình Phước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Cùng với thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, nguồn vận động Quỹ “Vì người nghèo”, nguồn đầu tư công năm 2023... UBND tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường vận động cộng đồng, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang tham gia chương trình mục tiêu giảm nghèo. Và rồi mỗi địa phương một cách làm sáng tạo. Trong khi Thị ủy Bình Long ban hành Kế hoạch số 18 “Mỗi cấp ủy, đảng viên chung tay giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”, nhằm gắn trách nhiệm cấp ủy, đảng viên, người đứng đầu với công tác giảm nghèo, thì huyện Bù Gia Mập lại tìm mọi cách tăng nguồn thu nhập của hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở... giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Huyện Bù Đăng thì tăng cường tuyên truyền theo phương châm “Trao cần câu chứ không trao xâu cá” nhằm tạo dựng ý chí, nghị lực cho hộ DTTS thoát nghèo... 

Từ những nỗ lực ấy, giai đoạn 2019-2022, Bình Phước đã huy động hơn 386 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, địa phương, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ đồng bào DTTS. Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh quyết định phân bổ gạo hỗ trợ học sinh và các trường phổ thông ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn năm học 2022-2023. Theo đó, 1.883 học sinh các trường phổ thông tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ hơn 115,8 tấn gạo, cùng nhiều chương trình hỗ trợ khác... Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh đã giảm hơn 5.000 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra. Đầu năm 2022, do việc thay đổi chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo toàn tỉnh tăng lên 4.870 hộ, chiếm 1,76% tổng số hộ dân, trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 6,14% tổng số hộ DTTS... Dù tỷ lệ này vẫn cao, nhưng với những khó khăn đặc thù như Bình Phước, kết quả thời gian qua là đáng khích lệ. 

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, kết quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS ở Bình Phước chưa bền vững. Số hộ thoát nghèo chuyển sang cận nghèo và chưa thể vượt lên nên vẫn rất khó khăn. Tình trạng nghèo kinh niên vẫn tập trung vào đối tượng đồng bào DTTS ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa và là nhóm dân cư có tốc độ giảm nghèo chậm, lại luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách về giảm nghèo nhiều tầng nấc, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng. Nguồn lực cho giảm nghèo chưa đủ mạnh nhưng lại dàn trải trong nhiều chính sách, có chính sách khi được đầu tư thì đã vào cuối giai đoạn. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn định. Việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế... 

Từ những khó khăn, bất cập nêu trên, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu tập trung đồng bộ các giải pháp, thực hiện lồng ghép các chính sách, dự án, nguồn vốn. Cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi địa phương, đoàn thể liên quan phát huy cao độ việc huy động nguồn lực trong nhân dân... để không chỉ mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS mà còn giảm nghèo bền vững.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu