Chủ nhật, 19/05/2024 23:32:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:39, 02/06/2023 GMT+7

Vượt sóng cả

Tấn Hòa
Thứ 6, 02/06/2023 | 04:39:00 963 lượt xem
BPO - Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”. Thông tin được chia sẻ từ buổi tọa đàm cho thấy, Việt Nam đang từng bước vượt qua sóng cả để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra.

Hai năm qua (2021-2022), kinh tế thế giới bị chao đảo bởi đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhiều nền kinh tế lớn bị tê liệt do các nước thực hiện phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, khiến nguồn cung toàn cầu bị đứt gãy. Cuối năm 2022, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, thế giới kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ về kinh tế, giao thương và du lịch. Thế nhưng, thực tiễn đã không như dự báo, thậm chí có yếu tố xảy ra với diễn biến phức tạp, khó lường như những cuộc xung đột vũ trang, điểm nóng chính trị, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu... đẩy nền kinh tế thế giới vào nguy cơ suy thoái cao. Cuối tháng 5 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhận định, các đầu tàu kinh tế hàng đầu thế giới đang “trượt dốc”. Nền kinh tế các nước như Mỹ, Trung Quốc, Đức... đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm.

Các yếu tố này đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và ứng phó linh hoạt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp; đặc biệt là các nghị quyết của Chính phủ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội... nên Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ. Năm 2022, GDP của nước ta tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.109 USD; thu ngân sách 1.815,5 ngàn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD... Riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách ước đạt 769,6 ngàn tỷ đồng; cán cân thương mại duy trì được mức thặng dư với 9,8 tỷ USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD; chỉ số tiêu dùng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng chú ý là, chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành như khai thác quặng kim loại, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, đồ uống, các sản phẩm từ cao su... đều tăng trưởng tốt. Thành quả của năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 là “bệ phóng” tối ưu cho kinh tế Việt Nam vươn khơi.

Những kết quả nêu trên cho thấy, Việt Nam đã thành công vượt bậc khi giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát đạt được kết quả đáng khích lệ. Điều này vừa là điều kiện để tạo sự ổn định nhiều mặt trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội vừa là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Hiện Việt Nam đang hướng tới rất nhiều mục tiêu phát triển, trong đó vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh. Đây là thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh nội lực nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu suy giảm và bối cảnh quốc tế còn nhiều biến động khó lường. Trong khi Việt Nam cũng phải gánh chịu những tác động từ nền kinh tế mở.

Do đó, ngoài ứng phó linh hoạt, chủ động thích nghi với bối cảnh bên ngoài, Việt Nam cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số và tái cấu trúc một số lĩnh vực, ngành nghề để phát triển bền vững. Đồng thời, nỗ lực xử lý hàng loạt vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đưa nền kinh tế nước nhà vượt qua sóng cả.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu