Chủ nhật, 19/05/2024 22:50:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:02, 01/06/2023 GMT+7

Vì môi trường không khói thuốc

Lâm Phương
Thứ 5, 01/06/2023 | 04:02:41 719 lượt xem
BPO - Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày thế giới không thuốc lá (31-5). Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy những hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo…, kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành tiền chi cho thực phẩm.

Theo WHO, thuốc lá là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong/năm, nhưng các chính phủ trên khắp thế giới vẫn chi hàng triệu USD để hỗ trợ các trang trại trồng thuốc lá. Hiện có hơn 300 triệu người trên toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và rơi vào cảnh đói nghèo. Trong khi hơn 3 triệu ha đất của hơn 120 quốc gia đang được sử dụng để trồng cây thuốc lá. WHO cũng khuyến nghị các chính phủ chấm dứt trợ cấp trồng thuốc lá và sử dụng tiền tiết kiệm được để hỗ trợ nông dân chuyển sang các loại cây trồng bền vững hơn nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Thực tế, ngoài những mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, tác hại của ngành công nghiệp thuốc lá đối với môi trường cũng rất nguy hiểm và ngày càng gia tăng. Không chỉ Việt Nam mà phần lớn các quốc gia trên thế giới, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, đất đai, không khí và không gian sống của người dân bằng những hóa chất, chất thải độc hại. Qua đó khẳng định, việc nâng cao nhận thức về những tác hại của thuốc lá và hạn chế vùng trồng nguyên liệu thuốc lá để cứu hành tinh là nhiệm vụ vô cùng cấp bách hiện nay.

Ở Việt Nam, cây thuốc lá được trồng nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh… Trong khi muốn giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, thì một trong những giải pháp quan trọng là giảm nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc lá. Vì vậy, đòi hỏi cấp có thẩm quyền và ngành chức năng phải định hướng, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển sang sinh kế thay thế, bền vững hơn để giảm tác động môi trường của việc trồng, chăm sóc và sản xuất thuốc lá. Đặc biệt, ngành công nghiệp thuốc lá phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại môi trường và trả tiền cho các chất thải, những thiệt hại, bao gồm cả chi phí thu gom chất thải từ thuốc lá. 

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền thực hiện các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Các cấp, ngành chủ động triển khai xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, xí nghiệp; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá… Nhờ đó, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc ngày càng được nâng cao. Ở nhiều nơi công cộng, khu dân cư, người dân đã thực sự được sống trong môi trường không khói thuốc lá. 

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có người nghiện thuốc lá cao. Muốn có môi trường không khói thuốc bền vững, về lâu dài, giải pháp ưu tiên hàng đầu là phải thay đổi nhận thức của người hút về tác hại của thuốc lá. Đồng thời xây dựng các giải pháp để loại bỏ hoàn toàn việc sản xuất, buôn bán thuốc lá cùng một chiến lược bài bản và lâu dài trong việc thu hẹp và thay thế vùng trồng thuốc lá bằng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu