Chủ nhật, 19/05/2024 23:20:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:25, 30/05/2023 GMT+7

Ngăn chặn bạo lực gia đình

Hồ Ngọc
Thứ 3, 30/05/2023 | 04:25:00 818 lượt xem
BPO - Những năm gần đây, bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các cuộc hôn nhân đổ vỡ, ly hôn, ly thân ở nhiều cặp vợ chồng. Không những thế, nhiều hành vi bạo hành có thể khiến người bị bạo lực gia đình rơi vào trạng thái suy kiệt sức lực, mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng và cần có thời gian, tiền bạc để chữa trị. Chưa hết, bạo lực gia đình gây ảnh hưởng đến cả người bị bạo lực, người gây bạo lực và gia đình của họ.

Thực tế này đòi hỏi phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc, thích đáng đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Đây cũng là lý do Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Một trong những nội dung nhận được sự đồng thuận cao của dư luận là luật mới đã bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, luật mới đã thêm quy định về việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

Cụ thể, Điều 24 quy định: Khi được phân công giải quyết vụ việc, trưởng công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã - nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc. Việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã phải được lập biên bản và có người trong cộng đồng dân cư chứng kiến. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã.

Việc bổ sung quy định này nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Vì đây là công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an trong phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Biện pháp này chính là hình thức phòng ngừa xã hội và nó chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình thuộc trách nhiệm công an xử lý. Cụ thể, người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, mà chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. Hơn nữa, quy định mới sẽ khắc phục những bất cập của luật ban hành năm 2007, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng chống, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc.

Đặc biệt, luật mới cũng đã bổ sung biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải trồng cây, quét đường. Cụ thể, theo Điều 33, người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Phục vụ cộng đồng ở đây là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, bao gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Như vậy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Luật mới còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển đất nước trong tình hình mới.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu