Chủ nhật, 19/05/2024 23:32:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:14, 29/05/2023 GMT+7

Áp lực từ chính sự kỳ vọng

Minh Luận
Thứ 2, 29/05/2023 | 04:14:28 930 lượt xem
BPO - Những ngày gần đây, khi năm học 2022-2023 vừa kết thúc, trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin, hình ảnh cha mẹ phô trương giấy khen, bảng điểm, thành tích học tập của các con với những điểm 9, điểm 10 tròn vo, những danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc… Đành rằng đó là thành tích, kết quả nỗ lực của các con sau một năm học vất vả và cha mẹ có quyền tự hào về điều đó. Thế nhưng, thể hiện niềm tự hào như thế nào cho phù hợp, để không bị vi phạm, để trở thành động lực giúp các con tiếp tục phấn đấu thì không phải cha mẹ nào cũng làm được.

Khảo sát tâm lý một số em về việc cha mẹ khoe thành tích học tập của các con lên mạng xã hội, nhiều em cho biết, rất không thích điều này, bởi việc khoe thành tích như vậy vô hình chung tạo thêm áp lực cho các con. 

Nhìn bảng điểm cao chót vót cùng những tờ giấy khen sẽ có rất nhiều lời bình luận, ngợi khen, chúc mừng, như cha mẹ siêu, nuôi con giỏi... Điều này có thể là niềm vui sướng của cha mẹ, nhưng vô tình là áp lực đối với các con. Áp lực cho tương lai phía trước sẽ phải hơn thế hoặc bằng thế, nếu không sẽ là sự thất bại. Việc khoe thành tích học tập của các con lên mạng xã hội không chỉ gây áp lực với chính con mình mà với cả những bạn có kết quả học tập chưa cao, vô tình tạo tâm lý tự ti, mặc cảm đối với các em… Trong khi thực tế điểm số chưa nói lên điều gì, bởi rất nhiều người kết quả học tập không cao nhưng đã thành công trong không ít ngành nghề, lĩnh vực của cuộc sống. 

Phô trương thành tích học tập của các con lên mạng xã hội, bên cạnh lan tỏa điều tích cực, động viên các con nỗ lực, phấn đấu vươn lên, cha mẹ cần cẩn trọng, cân nhắc, tránh gây áp lực cho trẻ. Một chuyên gia tâm lý từng nói: “Việc dành lời khen cho con giống như sử dụng thuốc kháng sinh. Đã kháng sinh thì không nên sử dụng tùy tiện, phải có liều lượng, có chỉ định và mức độ. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây hại cho trẻ. Đứa trẻ sẽ tự mãn và ảo tưởng về mình. Nghĩa là phải khen - chê đúng lúc, đúng chỗ”. Đó là chưa kể việc phô trương kết quả học tập, hình ảnh các con lên mạng xã hội còn có thể gây nguy hiểm cho cả phụ huynh và các em. Bởi nội dung chia sẻ với đầy đủ họ tên, lớp học, tên trường, địa chỉ, vô tình tạo cơ hội cho đối tượng xấu khai thác và hậu quả là khôn lường.  

Khoe thành tích học tập của các con lên mạng xã hội, hành động tưởng như nhỏ nhặt, vô tình ấy luôn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường. Đã không ít trường hợp các em tìm đến tiêu cực chỉ vì áp lực thi cử, điểm số, học hành, áp lực từ chính sự kỳ vọng của cha mẹ mình… Chính vì vậy, mỗi phụ huynh cần cân nhắc, tiết chế và có chừng mực khi đăng phát thông tin, thành tích của các con, bởi đó chỉ là hành vi ảo, nhưng hậu quả thì không ảo, là niềm vui nhất thời của cha mẹ nhưng nỗi lo thì vô tận. 

Tâm lý “con nhà người ta”, trọng học hành, khoa cử, bằng cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của người Việt. Nhiều người cứ nhìn vào điểm số, trường chuyên, lớp chọn là đánh giá con học giỏi hoặc chưa giỏi. Con phải đỗ trường này, lớp chọn kia, đỗ đại học rồi thì phải trong top cao, trường dẫn đầu… Đành rằng áp lực là cần thiết để đi tới thành công. Tuy nhiên, áp lực phải xuất phát từ chính đam mê của con trẻ mới giúp các con vượt qua chính mình, chứ không phải vì mục tiêu của cha mẹ. Hãy để các con được tự do phát huy năng lực, sở trường bản thân; hãy để các con nhìn thấy giá trị thực của cuộc sống mà nỗ lực, cố gắng trưởng thành. Đó mới là hạnh phúc.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu