Chủ nhật, 19/05/2024 20:53:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 25/05/2023 GMT+7

Gỡ “điểm nghẽn” về ứng dụng dữ liệu dân cư

Lâm Phương
Thứ 5, 25/05/2023 | 04:45:59 1,081 lượt xem

BPO - Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định phê quyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đến nay, đề án đã góp phần quan trọng, tạo bước đột phá trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia cùng nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời góp phần kiến tạo văn minh cho xã hội, phòng ngừa tội phạm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là những “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ, như: Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể thực hiện việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Còn theo đánh giá của lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành được công bố trong các cuộc họp trực tuyến, hiện Cổng dịch vụ công quốc gia chưa thuận tiện cho khai thác điện tử, chưa giúp người sử dụng yên tâm khi thực hiện thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, người dân mới chỉ tập trung vào các dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia do một số địa phương, bộ, ngành còn chần chừ, chậm trễ trong việc chia sẻ dữ liệu, kết nối dùng chung. Thậm chí, do “dữ liệu là tài nguyên” nên vẫn còn tình trạng cát cứ, luyến tiếc, “câu giờ” trước yêu cầu đồng bộ hóa vào hệ thống. Nhiều ý kiến khẳng định, nếu tất cả cơ sở dữ liệu về đất đai, nhà ở, khám, chữa bệnh... hoàn thiện và đồng bộ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia hứa hẹn sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, cắt giảm các loại giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi sát sườn của cả người dân và doanh nghiệp. Cho thấy, nếu đẩy nhanh và liên tục quá trình “làm giàu dữ liệu” sẽ không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế được hưởng lợi.

Trước những khó khăn nêu trên, ngày 23-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Văn bản số 452/TTg-KSTT về tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai thực hiện Đề án 06. Trong văn bản nêu rõ những vấn đề ảnh hưởng đến lộ trình triển khai đề án, gồm thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai và trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ.

Đề án 06 là hợp phần quan trọng, là tiền đề mang tính đột phá với việc lấy Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng cốt lõi để thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, việc triển khai thành công Đề án 06 quyết định sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới và những năm tiếp theo, yêu cầu tiên quyết là các bộ, ngành, địa phương phải nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 452.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu