Chủ nhật, 19/05/2024 19:50:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 22/05/2023 GMT+7

Để nông dân không còn “thiệt đơn, thiệt kép”

Chính Trực
Thứ 2, 22/05/2023 | 04:45:11 591 lượt xem
BPO - Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2018-2022, đàn gia cầm của nước ta tăng nhanh, từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tổng đàn gia cầm, trong đó số thủy cầm đứng thứ hai thế giới. Trong quý 1/2023, đàn gia cầm cả nước ước đạt 551,4 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn vào con số thống kê đơn thuần, chúng ta thấy bức tranh ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng của nước ta vẫn tươi sáng. Song trên thực tế, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, nhất là với nông dân, nông hộ sản xuất quy mô nhỏ. Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có đơn kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, triển khai một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài cho ngành chăn nuôi gia cầm. Vấn đề nhức nhối đã và đang diễn ra, đó là tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vào nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh và sức khỏe người tiêu dùng.

Với lợi thế giá rẻ, gia cầm nhập lậu và các phụ phẩm như đầu, cổ, cánh, nội tạng… vẫn có “đất sống” trong các chợ truyền thống với khách hàng “ruột” phần lớn là những người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, các quán ăn vỉa hè, quán nhậu bình dân là những địa chỉ chủ yếu tiêu thụ mặt hàng này. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy ngành chăn nuôi trong nước vào khó khăn. Bởi ngành chăn nuôi luôn đối diện với nguy cơ thua lỗ do các yếu tố thời tiết, dịch bệnh, giá đầu vào, nhất là giá thức ăn tăng liên tục trong khi giá bán bấp bênh ở mức thấp khiến người chăn nuôi luôn trong tình trạng thấp thỏm. Nhiều chuyên gia ví von ngành chăn nuôi nước ta đang trong thế “nội công, ngoại kích” khiến người chăn nuôi “tiến thoái lưỡng nan”! Phần lớn người chăn nuôi gia cầm ở nước ta quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình với phương châm lấy công làm lãi. Những gia đình có vốn thì mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, hệ thống trang thiết bị hiện đại để chăn nuôi với quy mô lớn. Song do giá đầu vào luôn ở mức cao, giá đầu ra thì thất thường, cộng thêm thị trường tiêu thụ bị cạnh tranh gay gắt ngay trên “sân nhà” nên người chăn nuôi khó càng thêm khó. Tình trạng “treo chuồng, bỏ trại” không còn là nguy cơ mà đã trở thành thực tế ở nhiều địa phương.

Người chăn nuôi ở Bình Phước cũng không ngoại lệ khi đang đối mặt với vòng xoáy khó khăn chung. Có dịp đi thực tế ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi gà của tỉnh mới thấy hết những khó khăn của người chăn nuôi. Nhiều gia đình đang cố gắng “cầm cự” chờ vượt qua giai đoạn khó khăn, song không ít gia đình “gồng hết xiết” thì đành ngậm ngùi bỏ nghề, chuyển qua làm công nhân khu công nghiệp hoặc làm “thợ đụng” trang trải cuộc sống.

Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trồng trọt và chăn nuôi là ngành nghề chủ yếu mang lại thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân. Để giúp ngành chăn nuôi trong nước phát triển ổn định cần có chiến lược ổn định và lâu dài. Trong đó, ưu tiên trước mắt là các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động buôn bán trái phép, nhập lậu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới. Đồng thời có biện pháp quản lý, ổn định giá đối với con giống, thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh. Các địa phương cần định hướng, phát triển chăn nuôi một cách khoa học, bài bản, có trọng điểm, tránh tình trạng phát triển “nóng” một cách ồ ạt, tự phát. Ngành chức năng tăng cường chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật giúp nông dân chủ động trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh… Khi đầu vào được kiểm soát, đầu ra ổn định thì người chăn nuôi có thể yên tâm “sống khỏe” với nghề.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu