Chủ nhật, 19/05/2024 19:50:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:45, 16/05/2023 GMT+7

Cụ thể và quyết liệt hơn

Hồ Ngọc
Thứ 3, 16/05/2023 | 04:45:54 784 lượt xem
BPO - Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là kết thúc năm học 2022-2023, nhưng đây cũng là thời điểm không ít bậc phụ huynh bắt đầu lo việc làm thủ tục cho con em nhập học niên khóa 2023-2024. Đặc biệt là đối với những gia đình công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp có con, em bắt đầu vào lớp 1.

Theo quy định trong Điều lệ Trường tiểu học, Sở GD&ĐT của từng địa phương quy định về hồ sơ nhập học cho trẻ vào lớp 1. Theo đó, hồ sơ bao gồm: Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 1 (theo mẫu) với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp hoặc in phiếu trên hệ thống đối với trường hợp tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến và bản sao giấy khai sinh hợp lệ. Tiếp đó là bản sao sổ hộ khẩu (không cần chứng thực, cũng không cần kèm theo bản chính) hoặc giấy hẹn hoàn thành thủ tục nhập khẩu hoặc sổ tạm trú, giấy xác nhận cư trú tại địa phương của công an cấp xã. Tuy nhiên, một số trường tiểu học còn có quy định riêng về các loại hồ sơ xin nhập học cho học sinh vào lớp 1, như yêu cầu sổ tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giấy khám sức khỏe và ảnh của bé…

Lý do để các trường đưa ra những yêu cầu nêu trên là tránh học sinh “trái tuyến”, đồng thời ngăn ngừa tình trạng tiêu cực thông qua việc “chạy trường”, “chạy lớp”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là theo quy định tại Luật Cư trú, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng. Vì thông tin về nơi cư trú, tạm trú của công dân đã được tích hợp trong căn cước công dân gắn chíp điện tử hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật Cư trú cũng quy định: Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin cá nhân, nơi thường trú. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều công dân có căn cước công dân gắn chíp điện tử nhưng chưa cập nhật thông tin đầy đủ.

Hơn nữa, hiện không phải trường tiểu học nào cũng có điều kiện về thiết bị và con người thực hiện được việc cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia để xác minh nơi thường trú hoặc tạm trú của trẻ xin nhập học. Chính vì vậy, ngày 10-5-2023, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị số 733/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp hoặc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, các loại giấy tờ khác chứng minh thông tin về cư trú như giấy xác nhận thông tin về cư trú,... khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục.

Đồng thời, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại các cơ sở giáo dục. Giám đốc sở GD&ĐT xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Nội dung nêu trên được dư luận đồng tình, cộng đồng mạng đồng thuận vì Bộ GD&ĐT đã sớm lường trước những khó khăn, vướng mắc để có chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo thuận lợi cho người dân trong việc nhập học cho trẻ, đồng thời tránh được tiêu cực có thể xảy ra thì Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo rõ ràng hơn, quyết liệt hơn. Cụ thể là sự phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương trong công tác tuyển sinh vào lớp 1 như thế nào? Đối với những nơi chưa thể cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trường hợp căn cước công dân chưa gắn chíp điện tử, thì trách nhiệm của UBND cấp xã, nhà trường và công dân ra sao?

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu