Chủ nhật, 19/05/2024 22:40:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:33, 12/05/2023 GMT+7

Xứng đáng là tiếng nói của Đảng và Nhà nước

Lâm Phương
Thứ 6, 12/05/2023 | 04:33:09 1,270 lượt xem
BPO - “Tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, xây dựng và đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 100 năm qua; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác báo chí giai đoạn hiện nay…” là những mục đích quan trọng được đề cập trong dự thảo Đề án kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025) vừa được thông qua tại hội nghị quán triệt, triển khai các quy định số: 85, 99, 100, 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII; xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, diễn ra ngày 11-5 tại tỉnh Bình Dương

Theo những mục đích được đề cập trong dự thảo đề án cho thấy, đây là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với báo chí cách mạng nước ta. Trải qua gần một thế kỷ xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành với sự nghiệp đấu tranh trường kỳ, gian khổ, anh dũng hy sinh của dân tộc ta để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí đã tuyên truyền, cổ vũ, động viên sức người, sức của, tinh thần chiến đấu của nhân dân ta trong công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ tờ báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên, đến nay nền báo chí cách mạng đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và loại hình báo chí. Hiện cả nước có 815 cơ quan báo chí với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó hơn 19.000 người được cấp thẻ nhà báo (năm 2022). Theo từng giai đoạn cách mạng, báo chí nước ta không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và truyền thông; trở thành diễn đàn quan trọng, phản ánh tiếng nói của nhân dân, thực hiện tiến trình dân chủ, cởi mở trong xã hội. Chất lượng các ấn phẩm, chương trình phát thanh - truyền hình và công nghệ làm báo đã đạt những bước tiến lớn, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và cộng đồng quốc tế. Đội ngũ người làm báo cả nước cũng ngày càng trưởng thành; có bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn trung thành với Đảng, với dân tộc. Người làm báo cũng luôn ý thức trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thông nghề nghiệp, tiếp cận nhanh và làm chủ công nghệ làm báo hiện đại.

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, báo chí luôn đi đầu trên mặt trận tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố sự thống nhất ý chí trong Đảng, báo chí là diễn đàn tin cậy, dân chủ của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước.

Đảng, Nhà nước ta luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và sự đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam càng đòi hỏi các cơ quan báo chí và người làm báo phải thể hiện rõ vai trò dẫn dắt của báo chí, để báo chí luôn chủ động, kịp thời trong định hướng, cung cấp thông tin về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu