Chủ nhật, 19/05/2024 20:22:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:52, 11/05/2023 GMT+7

Mùa vàng bội thu

Tấn Hòa
Thứ 5, 11/05/2023 | 04:52:01 1,198 lượt xem
BPO - Cả nước vừa trải qua kỳ nghỉ lễ kéo dài, gồm ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10-3), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày quốc tế lao động (1-5). Với những chủ trương đúng đắn, khẩn trương của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp…, cùng nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, đa dạng, du lịch Việt Nam đã gặt hái mùa vàng bội thu.

Trung tuần tháng 3-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023. Sau hội nghị, các cấp, ngành và địa phương trong cả nước đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa du lịch Việt Nam “cất cánh” lên tầm cao mới. Những con số thống kê về khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ vừa qua cho thấy, Việt Nam đã nắm chắc thời cơ, đi tắt đón đầu nên du lịch cả nước tiếp tục duy trì đà phục hồi rất đáng phấn khởi. Theo Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, Việt Nam đã đón hơn 300.000 khách quốc tế và phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. 

Trước đây, nhiều địa phương chưa có tên tuổi trên bản đồ du lịch nước nhà thì năm nay đã trở thành “điểm nóng” hút khách như Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Phước… Các khu, điểm du lịch dã ngoại về nguồn, du lịch văn hóa, sinh thái… đã đón lượng khách đến tham quan tăng so cùng kỳ các năm trước rất đáng kể. Không ít các điểm, khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam trong những ngày qua ghi nhận tình trạng quá tải, “cháy phòng”… Ví như Thanh Hóa, trong kỳ nghỉ vừa qua đón khoảng 1,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 33,1%), tổng doanh thu đạt khoảng 2.865 tỷ đồng. Doanh thu du lịch của TP. Hồ Chí Minh trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đạt 3.130 tỷ đồng, lượng khách đến tăng 126,2% so với cùng kỳ năm 2022. Còn doanh thu du lịch của Hà Nội đạt 2.400 tỷ đồng; Nghệ An hơn 1.500 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 633,69 tỷ đồng…

Kết quả nêu trên là những tín hiệu rất tích cực của ngành du lịch không chỉ trong kỳ nghỉ lễ vừa qua mà còn là điểm nhấn, là động lực để tạo đà cho du lịch Việt Nam tiếp tục “gặt” những mùa vàng bội thu, đóng góp tích cực vào GDP của đất nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân; tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và củng cố được vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế... 

Để du lịch Việt Nam tiếp tục “gặt hái” những thành tựu mới, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, phải đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch để tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm du lịch tại địa phương, cũng như quốc gia nhằm thu hút đông đảo du khách. Đổi mới các sản phẩm du lịch, kết hợp đan xen giữa du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, tham quan theo truyền thống với tour hiện đại, trải nghiệm, khám phá. Ngành du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm, quy hoạch tổng thể, bài bản, dần xóa bỏ cách khai thác du lịch tự phát, manh mún. Đồng thời, cần có sự hợp tác đồng bộ giữa các hãng lữ hành, hàng không, khách sạn, resort với các cơ quan chức năng, nhà đầu tư để cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch. Tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú… và nhanh chóng xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch để nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế… Song song đó, các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển du lịch bền vững cũng cần được chú trọng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu