Chủ nhật, 19/05/2024 22:50:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:04, 26/04/2023 GMT+7

Sẵn sàng với sân chơi mới lớn hơn về mọi mặt

Trần Phương
Thứ 4, 26/04/2023 | 04:04:20 1,195 lượt xem
BPO - Theo số liệu của cơ quan chức năng, đến tháng 12-2022, Bình Phước có dân số 1.034.667 người, trong đó 76% sinh sống, lao động ở vùng nông thôn và hầu hết là nông dân. Vì thế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang tiến hành các bước lấy ý kiến để trình Quốc hội xem xét, dự kiến ban hành trong năm 2023, nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhân dân tỉnh Bình Phước, đặc biệt là với nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Đơn giản là bởi, với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, không thể thiếu. Một chính sách nhỏ liên quan đến đất đai cũng tác động lớn đến hàng trăm ngàn nông dân tỉnh Bình Phước.

Và một trong những vấn đề không chỉ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã ở Bình Phước mà cả nước cùng quan tâm, đó là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định mức hạn điền mới, mở rộng hơn rất nhiều. Cụ thể: 

Theo Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan chức năng đưa ra quy định mức hạn điền diện tích đất trồng cây hằng năm của hộ gia đình, cá nhân tối đa lên tới 45 ha; hạn điền đất trồng cây lâu năm, vùng đồng bằng là 150 ha, vùng trung du, miền núi 450 ha; hạn điền đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất 450 ha... 

Song song với mở rộng hạn điền gấp nhiều lần như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có các quy định về tích tụ, tập trung đất đai, cơ chế góp quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn… Cùng với mở rộng hạn điền và các quy định về tích tụ, tập trung đất đai, rồi đây, việc đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất cũng sẽ diễn ra. Trong đó, sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị…

Thực tế không chỉ tại Bình Phước, các tỉnh, thành phố khác khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thời gian gần đây, diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ngày càng ít đi. Thay vào đó là diện tích lớn hơn, cơ giới hóa cũng được đưa vào sản xuất nhiều hơn. Mở rộng hạn điền, hàng ngàn nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi để sản xuất quy mô lớn, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Tích tụ ruộng đất, sản xuất theo mô hình nông nghiệp đại điền là quy luật tất yếu hiện nay. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiện đại. 

Theo thống kê năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của nước ta gần 28 triệu ha, chiếm 80% đất tự nhiên. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với những địa phương có dân số và diện tích đất sản xuất chiếm tỷ lệ lớn như Bình Phước. Hạn điền tăng lên sẽ tạo ra đột phá cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đi kèm với đó là đổi mới quản lý cho phù hợp để tránh trường hợp lợi dụng sở hữu nhiều đất nhưng lại bỏ phí hoặc làm không hiệu quả. Và từ phía người nông dân, cũng cần sẵn sàng với một sân chơi mới lớn hơn về mọi mặt.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu