Chủ nhật, 19/05/2024 20:03:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:43, 21/04/2023 GMT+7

Bài dự thi Liên hoan Nghiệp vụ báo chí tỉnh Bình Phước lần I, năm 2023

Nâng tầm vị thế quốc gia

Tấn Hòa
Thứ 6, 21/04/2023 | 04:43:33 1,381 lượt xem
BPO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức họp báo về việc Việt Nam được Liên hợp quốc (LHQ) lựa chọn là nước chủ trì Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 “Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững - Mạng lưới một hành tinh”. Hội nghị có chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”.

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ, do nhiều yếu tố tác động như khủng hoảng an ninh lương thực, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... hoành hành nên nạn đói đã tác động trực tiếp đến hơn 828 triệu người trên thế giới. Con số này tăng hơn 46 triệu người so với năm 2020 và tăng hơn 150 triệu người so với năm 2019. Hiện thế giới có khoảng 3,1 tỷ người khó tiếp cận được chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm... Đặc biệt, trong bối cảnh bạo lực và xung đột vũ trang đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh thương mại giữa các nước và sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã đẩy nhân loại đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực trầm trọng. Vấn đề này được Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới và Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ đưa ra cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng chưa từng có”. Vì vậy, câu chuyện về an ninh lương thực đang là vấn đề thời sự nóng bỏng trên các diễn đàn quốc tế hiện nay.

Sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển thần kỳ về sản xuất lương thực, thực phẩm. Từ quốc gia nghèo đói, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu và được Liên hợp quốc đánh giá cao trong trách nhiệm lương thực với thế giới. Chỉ tính riêng năm 2022, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 trên thế giới. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta đạt hơn 54 tỷ USD; trong đó xuất khẩu gạo được 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD. Năm 2023, cả nước hướng đến 55 tỷ USD giá trị xuất khẩu nông sản, trong đó phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 4 tỷ USD. Song song với xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh. Toàn ngành đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Vì vậy, việc chủ trì hội nghị toàn cầu lần thứ 4 không chỉ là điều kiện để nông sản, hạt gạo của nước ta có cơ hội tiếp tục mở rộng thị phần và làm chủ thị trường thế giới mà còn nâng tầm vị thế của quốc gia trong việc đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, hội nghị còn là dịp để nông nghiệp Việt Nam quảng bá thành tựu; khẳng định thương hiệu với cộng đồng quốc tế và là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu hiện nay; là điều kiện cốt lõi để nước ta đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh lương thực và dinh dưỡng, nông nghiệp xanh, phát thải thấp gắn với phát triển bền vững.

Việc tổ chức hội nghị cũng là nhân tố quan trọng trong việc góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, sớm đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn cán đích thành công.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu