Chủ nhật, 19/05/2024 22:59:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:25, 19/04/2023 GMT+7

Nếu sợ trách nhiệm, ai sẽ làm!

Thảo Linh
Thứ 4, 19/04/2023 | 04:25:37 876 lượt xem
BPO - Đó là câu trả lời báo chí của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh, khi kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh này nhảy vọt mấy chục bậc, từ cuối bảng lên thứ 38/63 tỉnh, thành cả nước. Nhưng điều người viết muốn nói không phải việc chỉ số PCI nhảy vọt của tỉnh Đắk Nông mà chính là câu nói của người đứng đầu cấp ủy.

Đùn đẩy, sợ trách nhiệm là căn bệnh không hiếm trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đặc biệt, từ khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng được đẩy lên cao và đã lôi ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn, bên cạnh niềm vui, sự hài lòng của số đông nhân dân, lại phát sinh tâm lý co mình lại, không dám đề xuất, không dám làm việc, trong đó có cả những người đứng đầu thiếu bản lĩnh, sợ trách nhiệm. Có người đã thốt lên: Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít. Và thế là họ không làm để không bị sai! Đây là tình trạng đáng báo động, làm trì trệ đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, nhân dân. Điển hình là sau khi hàng loạt cán bộ ngành y tế từ Trung ương đến địa phương dính chàm trong vụ Việt Á bị lôi ra ánh sáng thì tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra trong toàn ngành y và kéo dài cả năm chưa được giải quyết. Nhiều bệnh viện lớn tuyến Trung ương gần như tê liệt vì không đủ điều kiện hoạt động. Người tham gia bảo hiểm y tế chịu thiệt thòi khi một chai thuốc nhỏ mắt cũng phải bỏ tiền ra mua, nhưng quầy thuốc dịch vụ ngay trong khuôn viên bệnh viện thì mua thuốc gì cũng có (!?).

Yêu cầu của thực tiễn bao giờ cũng đi trước các quy định của pháp luật. Huống hồ dịch Covid-19 đã đặt ra những vấn đề chưa có tiền lệ. Những người muốn “xé rào” để phục vụ nhân dân tốt hơn buộc phải làm khác quy định. Và như thế, sự “vận dụng” của những người dám “xé rào” chắc chắn có sai phạm. Hồi đầu tháng 5-2021, trong khi tỉnh Vĩnh Phúc đình chỉ công tác Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế do không dám quyết việc mua thiết bị, vật tư phục vụ công tác chống dịch tại địa phương thì lãnh đạo ngành y tế tỉnh Bắc Giang lại chuẩn bị tâm thế cho đợt thanh, kiểm tra ngay khi tỉnh này vừa đi qua những ngày tháng căng thẳng nhất của đại dịch. Tình trạng co mình lại không dám làm không chỉ xảy ra trong ngành y tế mà phổ biến ở mọi ngành, mọi cấp. Thậm chí có vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Nam đã so sánh rằng: những cán bộ sợ trách nhiệm giống như những cầu thủ đi lững thững trên sân bóng trong một trận đấu quyết liệt, sống còn.

Biết sợ để làm đúng pháp luật là rất tốt. Nhưng sợ đến mức “không làm để không sai” thì chính là trở lực cho sự phát triển. Trước thực trạng này, Ban Bí thư đã có Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và Bộ Chính trị có Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Báo chí, truyền thông phấn khích gọi đây là “những liều vắc xin” trước tình trạng cán bộ lừng khừng. Tuy nhiên, có mâu thuẫn không hề nhỏ giữa sự khuyến khích cán bộ, công chức “xé rào” với những quy định như đã phân tích nêu trên. Vì thế, Kết luận số 14 cần sớm được thể chế hóa bằng pháp luật. Có như thế thì chủ trương đúng đắn này của Đảng mới sớm đi vào cuộc sống.

Trở lại câu chuyện của tỉnh Đắk Nông, nếu ai cũng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm hoặc làm gương trước để mọi cán bộ, công chức tin tưởng và đồng hành thì chắc chắn không thể có bước nhảy vọt về xếp hạng chỉ số PCI như trong năm qua!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu