Chủ nhật, 19/05/2024 20:03:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:02, 17/04/2023 GMT+7

Nghịch lý ngành điều

Chính Trực
Thứ 2, 17/04/2023 | 04:02:09 1,182 lượt xem
BPO - Theo số liệu cập nhật của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 3-2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta ước đạt 4,66 tỷ USD, tăng 27% so với tháng 2 song lại giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước có: gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%), nhóm rau, quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%), hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%)...

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, quý 1/2023, xuất khẩu hạt điều của nước ta ước đạt 122.000 tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong quý 1/2023 của nước ta ước đạt 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy bức tranh ngành điều vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, mặc dù đạt giá trị xuất khẩu cao song nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều không thể “nở mày nở mặt” vì giá bán ở mức thấp. 

Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ ảnh hưởng xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới làm giảm nhu cầu nhập khẩu, tiêu dùng. Đồng thời, sau khi khống chế được đại dịch Covid-19 nhiều nước đã tái xuất khẩu nông sản và tăng nguồn cung trên thị trường. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ngành điều đang lao đao cầm cự lãi suất ngân hàng, chi phí đầu tư nhà máy, kho bãi, cước phí vận chuyển, nhân công... Nhiều doanh nghiệp nhìn bề ngoài vẫn còn hoạt động song bên trong đã “chết lâm sàng”. Ông bà ta từng đúc kết “đói ăn vụng, túng làm liều”. Mới đây, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Văn Tuấn (47 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) để điều tra về hành vi buôn lậu. Từ năm 2017-2021, đối tượng này đã sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại Tuấn Thịnh ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước để nhập khẩu hơn 3.600 tấn hạt điều thô theo loại hình tạm nhập, tái xuất. Song sau khi nhập hàng về, Tuấn chỉ tái xuất khoảng 246 tấn hạt điều thô (tương đương 46 tấn), số còn lại hơn 3.300 tấn hạt điều thô trị giá hơn 154 tỷ đồng, Tuấn không đưa vào sản xuất xuất khẩu theo quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu mà chuyển sang tiêu thụ trong nước để thu lợi bất chính. Hành vi của đối tượng sẽ phải trả giá trước pháp luật, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lợi dụng chính sách của Nhà nước để “lách luật”, làm ăn bất chính kiểu “đục nước béo cò”. Bởi chất lượng hạt điều của Việt Nam được đánh giá rất cao trên thị trường thế giới. Bình Phước là thủ phủ hạt điều của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều từ các quốc gia châu Phi với chất lượng thua kém, giá rẻ đưa về chế biến, đóng gói thành thương hiệu điều Bình Phước để tiêu thụ ở thị trường trong nước. Hậu quả là thương hiệu ngành điều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nông dân trồng điều chấp nhận “thua trên sân nhà” vì không thể cạnh tranh với giá điều thô nhập khẩu.

Theo đánh giá của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở nước ta tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Hiệp hội đề ra mục tiêu “giảm lượng, tăng chất”. Để ngành điều vượt qua khó khăn, giữ vững thương hiệu, đóng góp vào nền kinh tế của đất nước cần đẩy mạnh mối quan hệ “4 nhà”. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, làm ăn chụp giật theo kiểu “đồng thau lẫn lộn”, “đánh lận con đen” mà một số doanh nghiệp trong ngành điều đã làm trong thời gian qua.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu