Chủ nhật, 19/05/2024 20:37:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:53, 13/04/2023 GMT+7

Vì một nền quản trị hiệu lực, hiệu quả

Lâm Phương
Thứ 5, 13/04/2023 | 04:53:59 1,178 lượt xem
BPO - Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam năm 2022 vừa được công bố sáng 12-4 phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì kết quả khảo sát lại cho thấy, tình trạng này vẫn tăng mạnh so với năm 2021.

Theo báo cáo, về tham nhũng, tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% năm 2022, so với năm 2021. Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tỷ lệ người dân cho rằng, phải “chung chi” khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất...

Cũng theo đánh giá, công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, vì thế, góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh quản trị công quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước…

Báo cáo PAPI năm 2022 đã cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Đồng thời cho thấy, sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân về một nền quản trị hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, muốn cải thiện chỉ số về phòng, chống tham nhũng, đòi hỏi các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch trong tuyển chọn, bố trí nhân sự hoặc ban hành quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân; có trách nhiệm giải trình với người dân khi để xảy ra sai sót, khuyết điểm; chủ động đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực công… Nhất là, phải triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu nêu trên thì vấn đề tiên quyết phải tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính và các nội dung của PAPI. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Trong quá trình triển khai, ưu tiên hàng đầu là phải thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; kiên quyết không để xảy ra tình trạng hồ sơ cá nhân, tổ chức đã gửi nhưng không được tiếp nhận, xử lý… Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan công quyền phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc trong dư luận. Nhất là những nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù; thu, chi ngân sách và chế độ, chính sách của người dân. Cũng như kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhân dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài…

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu