Thứ 2, 20/05/2024 12:06:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:22, 12/10/2022 GMT+7

Chuyển đổi số hay bị bỏ lại!

Trần Phương
Thứ 4, 12/10/2022 | 05:22:28 1,686 lượt xem

BPO - Ngày 11-10, Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì Tương lai số bền vững” do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức đã được khai mạc tại Hà Nội. Trước đó 1 ngày, ngày 10-10, Bình Phước cũng như cả nước, lần đầu tiên đồng loạt tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Trước đó nữa, ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10-10 hằng năm là ''Ngày chuyển đổi số quốc gia''. Hẳn nhiên trong 2 ngày 10 và 11-10, “chuyển đổi số” là cụm từ được nói đến nhiều nhất trong cuộc sống thực hằng ngày và cả trên các môi trường ảo, trên không gian mạng… Và không chỉ ngày 10-10, trong tuần 41, 42 của năm 2022 này, mà khoảng 1 thập kỷ qua, chuyển đổi số, cuộc sống số, xã hội số… là những điều được nhắc đến và xuất hiện hằng ngày ở mọi nơi với nhiều cấp độ khác nhau, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ai quan tâm tới nhiếp ảnh, tới máy ảnh, hẳn sẽ biết và ấn tượng với “Câu chuyện Kodak” - sau khi một thông tin được chính thức công bố 10 năm trước, vào thời điểm Kodak từ 1 gã khổng lồ chính thức sụp đổ. Đó là năm 1975, các kỹ sư của Kodak là những người đầu tiên phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Thế nhưng, rất tiếc cơ hội bằng vàng đó Kodak đã bỏ qua. Kodak đã giấu kín phát minh vì lo sợ nếu công khai máy ảnh kỹ thuật số ra đời thì nhu cầu mua phim và thuốc rửa ảnh của các nhiếp ảnh gia, studio, phòng lab… sẽ giảm dần. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Kodak. Thế nhưng, sau đó các thế hệ máy ảnh kỹ thuật số của những hãng khác vẫn lần lượt ra đời. Ngày nay, thiết bị chụp ảnh kỹ thuật số đang phát triển với một tốc độ khủng khiếp, với độ phân giải, độ chính xác, tầm xa và cả chiều sâu độ nét đều vượt xa sự tưởng tượng của những ai từng chụp ảnh 20 năm trước mà không cần phim chụp, không cần thuốc rửa ảnh. Và đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến Kodak phá sản vào năm 2012.

Đó là câu chuyện của Kodak, một câu chuyện khác: Bắt đầu bước sang thế kỷ XXI, thống kê từ năm 2000 đến nay cho thấy, 52% doanh nghiệp trong bảng Fortune 500 - là danh sách hằng năm của tạp chí Fortune về 500 doanh nghiệp tổng doanh thu hàng đầu của nước Mỹ, đã bị mua lại, sáp nhập hoặc phá sản. Các chuyên gia ước tính 40% doanh nghiệp tồn tại hiện nay sẽ đóng cửa trong 10 năm tới. Nguyên nhân chính là do chậm hoặc thất bại trong việc chuyển đổi số. Doanh nghiệp nào chuyển đổi thành công từ môi trường thực sang môi trường số thì sẽ tồn tại. Không chuyển đổi, không kịp chuyển đổi đều sẽ bị thay thế, đào thải. 

Nhiều câu chuyện, nhiều con số ở các góc độ khác nhau cũng nói lên tương tự. Và từ đó, châm ngôn “Chuyển đổi số hay là chết” đã ra đời.

Chuyển đổi số, dù muốn hay không, nó cũng đã và đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, thậm chí có ngăn cản cũng sẽ không ngăn chặn được. Đó là cách nói, cách suy nghĩ theo kiểu giản đơn của cộng đồng. Còn đối với một quốc gia và ở góc độ quản lý, góc độ khoa học, chuyển đổi số đã trở thành một chiến lược mang tính sống còn đối với sự phát triển của tất cả các nước trên thế giới. 

Lịch sử cho thấy, những đột phá về công nghệ số đều thai nghén trong nhiều năm mới phổ biến được và phải hàng chục năm mới diễn ra một lần. Và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công cuộc chuyển đổi số lần này đã mở ra cơ hội chưa từng có cho tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Việt Nam đã đi sau trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Nếu bỏ lỡ cơ hội lần này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi. Cùng với Nhà nước, cùng với các cơ quan chức năng, mỗi doanh nghiệp, mỗi người cần không ngừng học tập, thay đổi, thích nghi, đáp ứng được yêu cầu mới của chuyển đổi số. Với doanh nghiệp là châm ngôn “Chuyển đổi số hay là chết”. Còn với mỗi cá nhân, chắc chắn sẽ là “Chuyển đổi số hay bị bỏ lại!”.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu