Thứ 6, 10/05/2024 01:33:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:01, 12/07/2022 GMT+7

Cần chế tài nghiêm khắc hơn

Hồ Ngọc
Thứ 3, 12/07/2022 | 05:01:47 3,191 lượt xem
BPO - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 diễn ra ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn cho rằng: …Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta…

Cũng trong bài phát biểu quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do “cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng”… Trong khi đó, muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì giải pháp hữu hiệu nhất là có cơ chế kiểm soát thu nhập và minh bạch tài sản theo quy định của pháp luật đối với những người có chức vụ, quyền hạn thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chế tài đối với những người có hành vi kê khai, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực vẫn không đủ sức răn đe. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 và 2 của Điều 51 trong Luật Phòng, chống tham nhũng, thì người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Với những người không thuộc những đối tượng nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thì người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Xét về góc độ tội phạm học, chỉ những người có hành vi gian lận, biển thủ của công, tham ô, nhận hối lộ… mới không dám công khai, minh bạch tài sản và thu nhập của mình. Thế nhưng từ những quy định nêu trên cho thấy, hành vi không trung thực, gian dối, che giấu tài sản, thu nhập mà chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc giáng cấp là quá nhẹ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi xem thường pháp luật của những kẻ “sẵn sàng hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Vì vậy, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn từ sớm, từ xa và có hiệu quả đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực, thì rất cần có chế tài nghiêm khắc hơn. Cụ thể là đối với số tài sản kê khai không trung thực nếu bị phát hiện sẽ tịch thu sung công quỹ và người vi phạm là đảng viên còn bị xử nghiêm về Đảng.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu