Thứ 2, 20/05/2024 09:02:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:00, 21/06/2022 GMT+7

KỶ NIỆM 97 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2022)

Tự hào báo chí cách mạng Việt Nam

Bình Phước
Thứ 3, 21/06/2022 | 05:00:30 700 lượt xem
BPO - Hôm nay 21-6-2022, đúng ngày này cách đây 97 năm, tại Quảng Châu - Trung Quốc, báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra mắt số đầu tiên. Đây là dấu mốc khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam. Đến ngày 5-2-1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm Ngày báo chí Việt Nam. Và ngày 21-6-2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau gần một thế kỷ, báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo ở Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Cả nước hiện có 816 cơ quan báo chí, với 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 21.132 người được cấp thẻ nhà báo và 27.000 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. 

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những nhà báo cách mạng luôn có mặt ở những nơi gian nan nhất, ác liệt nhất và sẵn sàng đương đầu với mọi hy sinh, hiểm nguy, gian khổ để ghi lại và truyền đi những thông tin trung thực từ những vùng chiến sự, động viên toàn dân thể hiện lòng yêu nước, hướng về cuộc chiến, quyết tâm bảo vệ đất nước. Những hoạt động đó đã góp phần đưa đến chiến thắng vĩ đại giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, báo chí luôn tiên phong, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực đời sống. Báo chí tham gia phản biện xã hội, kịp thời phát hiện đấu tranh với những mặt trái của xã hội, phản bác các luận điểm sai trái của thế lực thù địch, bảo vệ sự công bằng, tiến bộ, góp phần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, trong suốt 97 năm qua, báo chí luôn thể hiện rõ vai trò là tiếng nói của Đảng và diễn đàn tin cậy của Nhân dân, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Hòa cùng dòng chảy chung của báo chí cách mạng Việt Nam, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, báo chí Bình Phước đã không ngừng lớn mạnh trên mọi phương diện. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 250 người hoạt động trong các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương, trong đó có 81 người được cấp thẻ nhà báo và 140 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trong hơn ¼ thế kỷ, đội ngũ người làm báo ở Bình Phước luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, động viên nhân dân đoàn kết và ra sức phát triển kinh tế, xã hội; tích cực đấu tranh chống lại các tệ nạn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương. Điều đáng ghi nhận là báo chí Bình Phước đã và đang chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hăng hái thâm nhập thực tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa… và hướng tới một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. 

Hiệu quả của những hoạt động tích cực này là nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là niềm tự hào của những người làm báo. 

Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 hằng năm là dịp để toàn thể nhân dân tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức, trí tuệ, sáng tạo vì một nền báo chí chuyên nghiệp, vững mạnh và hiện đại của nước nhà. Là dịp để những người làm báo thêm tự hào nghề nghiệp, vun đắp tình yêu nghề, đam mê và cống hiến. Là dịp để những người làm báo tri ân, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, tri ân và biết ơn các thế hệ người làm báo cách mạng đã hy sinh, cống hiến cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. 

Đây cũng là dịp để những người làm báo thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của chính mình để khắc phục, sửa chữa, như: có người làm việc còn thiếu tính chuyên nghiệp, chậm đổi mới, ngại đổi mới, chưa sáng tạo, thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, chưa "cháy" hết mình với đam mê nghề nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp trong môi trường đa phương tiện, truyền thông kỹ thuật số…

Và ngày 21-6 còn là dịp đặc biệt để những người làm báo luôn luôn khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo lỗi lạc của quốc tế: “Viết để làm gì, viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào?”. Viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu