Thứ 4, 01/05/2024 01:40:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 04:02, 02/04/2024 GMT+7

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi tất yếu

Hiền Lương
Thứ 3, 02/04/2024 | 04:02:53 2,373 lượt xem
BPO - Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Chính phủ quyết định thực hiện từ năm 2012. Đến nay, chương trình đã gặt hái được những kết quả nhất định. Tại tỉnh Bình Phước, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp của tỉnh.

“CHÌA KHÓA” SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP 

Chuyển giao khoa học - kỹ thuật được xem là “chìa khóa” giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, ngoài các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, Sở KH&CN còn hoàn thành các nhiệm vụ KH&CN cơ sở, nhiệm vụ chủ yếu hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Tập trung khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; đưa các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng an toàn sinh học để nông dân áp dụng, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân. Đối với những địa bàn khó khăn, sở đã xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng đa canh, tích hợp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân, ưu tiên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, các xã đang xây dựng nông thôn mới... Tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ làm hạt nhân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu quả, tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Anh Nguyễn Thế Tùng, Tổng Giám đốc Queen Farm (huyện Bù Đăng) đã xây dựng một trang trại thực nghiệm trồng sầu riêng công nghệ cao, áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000

Ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua tỉnh đã ưu tiên dành nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học về lĩnh vực nông nghiệp, từ đó góp phần tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo môi trường cho ngành nông nghiệp phát triển. “KH&CN có vai trò rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Khi áp dụng KH&CN đúng cách sẽ góp phần tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn sản phẩm, tăng giá trị sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững” - ông Thường nhấn mạnh.  

BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Tỉnh Bình Phước hiện đã hình thành 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.374 ha. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được phát triển ở Đồng Phú, Chơn Thành, Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản... Nổi bật là các khu dự án trồng chuối với sản lượng 50 tấn/vụ/ha. Qua đánh giá, thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng 40-50 lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Bình Phước đã và đang tiếp tục triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao chuyên sâu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu...

Lãnh đạo Sở KH&CN tham quan mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Queen Farm (huyện Bù Đăng)

Sau 11 năm thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống, đưa Bình Phước trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển cao so với cả nước. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 10,25% so với năm 2022, đứng đầu các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là mức tăng trưởng kỷ lục của ngành nông nghiệp sau 26 năm tái lập tỉnh, góp phần đưa 80/85 xã trên địa bàn tỉnh về đích nông thôn mới, nâng mức thu nhập của người dân đạt gần 94 triệu đồng/người trong năm 2023. 

Những đóng góp của KH&CN trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhưng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn gặp không ít khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp này đòi hỏi tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

PHÁT TRIỂN BẰNG CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC

Vừa qua, tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024, ông Sergio Pereira Da Silva, Trưởng nhóm Công tác thành phố và công trình bền vững EuroCham cho rằng: “Bình Phước vẫn đang sản xuất nông nghiệp theo phương thức cũ khiến nông nghiệp tạo ra khí carbon, hiệu ứng nhà kính… Những nhân tố này lại tác động ngược lại nền nông nghiệp. Hiệu ứng hai chiều này chỉ có nền nông nghiệp xanh mới hóa giải được. Chúng tôi đặc biệt quan tâm nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước, một lĩnh vực đang là xu hướng của các nhà đầu tư châu Âu”.

Còn ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ, Trưởng bộ phận thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Tại châu Âu, chúng tôi đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao từ mấy chục năm trước, bước đầu cũng rất khó, nhưng kiên trì sẽ làm được. Tại Bình Phước, chúng tôi mong muốn có cơ hội để đồng hành với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Điều chúng tôi cần là địa phương cũng phải sẵn sàng, ngoài các chính sách ưu đãi, phải hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực này một cách cụ thể. Giai đoạn đầu sẽ rất khó nhưng nếu làm được Bình Phước sẽ có cả một tương lai phía trước với thị trường tiềm năng khoảng 500 triệu dân khu vực châu Âu”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh - người đã có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, để phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên phải xác định thế mạnh địa phương sản phẩm chủ lực là gì, thứ hai cần chuẩn bị đầy đủ yếu tố về thị trường trên nguyên tắc sản xuất những gì thị trường cần, đồng thời tập trung vào chế biến sâu tạo ra mạng lưới phân phối rộng khắp. 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới KH&CN được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng KH&CN giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

  • Từ khóa
193256

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu