Thứ 5, 09/05/2024 13:27:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 19:02, 17/11/2021 GMT+7

Cô giáo làng

Thứ 4, 17/11/2021 | 19:02:57 2,377 lượt xem

BPO -  “Thầy bước đến trường em mang một tình yêu ước mơ/ Cho từng ánh mắt trẻ thơ, cho từng khúc nhạc dịu êm” - hai, ba. Lời bắt nhịp của bà giáo theo sau đó là giọng hồn nhiên của hàng chục đứa trẻ cứ thế vang lên làm cả xóm tôi thêm chộn rộn, ấm áp.

Trước mỗi buổi giảng bài, bà giáo đều dạy các em tập hát vừa tạo sự vui vẻ, thoải mái cho học trò vừa giúp các em thêm tự tin, gắn kết với nhau. Để duy trì, bà giáo đã nhờ người lên mạng tải rất nhiều bài hát về tình thầy trò và tình yêu thương gia đình, quê hương, đất nước phù hợp với lứa tuổi của các em.

Đã 2 năm nay, mỗi tuần 3 buổi tối xóm tôi đều râm ran tiếng trẻ em í ới gọi nhau vào lớp, rồi tập đọc, đánh vần và cả tiếng cô trò trao đổi bài thật vui tươi, dí dỏm. Gọi là lớp nhưng thực chất đó là phòng khách của nhà bà giáo được thiết kế lại cho phù hợp, với những bộ bàn ghế nhựa bạc màu được xếp ngay ngắn, gọn gàng cùng với tấm bảng đen đã phai dòng kẻ. Chỉ nhiêu đó đã đủ để bà được tiếp tục gắn bó với đam mê “đưa đò” và nguôi nỗi nhớ trường, nhớ lớp. 

Bà giáo năm nay 55 tuổi và đã có thâm niên 20 năm đứng lớp bậc tiểu học. Do 10 năm trước sau một lần bạo bệnh, bà không còn đủ sức khỏe nên đành phải gác lại sự nghiệp “trồng người”. Chuỗi ngày điều trị bệnh kéo dài, bà càng nhớ da diết và khao khát được trở lại đứng trên bục giảng. Chính điều đó đã thôi thúc bà lấy lại tinh thần, vững tâm dưỡng sức. Cho đến khi có thể tự mình đi lại, sinh hoạt bình thường thì tuổi đã cao, vì vậy bà chọn cách làm cô giáo làng. 

Xóm tôi đa phần hộ dân làm vườn rẫy, số ít đi làm thuê cho các trang trại cao su tư nhân, xưởng điều hoặc đi lượm ve chai nên cuộc sống cũng thiếu trước, hụt sau. Xoay vần với “cơm, áo, gạo, tiền” đã khiến các bậc phụ huynh nơi đây không còn thời gian để chăm lo cái chữ cho con cái. Thế nên, lớp học tình thương của bà giáo được mở ra khiến ai nấy đều phấn khởi. Cả xóm tôi có hơn chục đứa trẻ đang theo học từ lớp 1 đến lớp 3, bà giáo đều nhận dạy kèm mỗi tuần 3 buổi tối. 

Học kỳ đầu tiên của lớp trôi qua mà không thấy nhắc đến tiền dạy thêm, phụ huynh không ai bảo ai đều tìm gặp nhưng bà giáo từ chối thẳng thừng. Bà bảo, con trai đi làm công nhân ở khu công nghiệp, nhà có 3 sào điều nên đủ trang trải sinh hoạt cho hai mẹ con, hơn nữa bà mở lớp để được sống tiếp với niềm đam mê “bảng phấn”, lại vừa có thể giúp ích cho tụi nhỏ. Thế nên, bà coi đó là niềm vui của tuổi già. Cũng vì cái “gạt tay” chắc nịch của bà nên sau này không ai nhắc đến học phí mà đổi lại trong vườn có sẵn rau, trái, hay mớ tôm, cá bắt được dưới suối, phụ huynh mang qua biếu bà ăn lấy thảo. Và khi trong vườn có trái cây chín, bà đều chia cho các em mang về nhà. Cứ thế những món quà vườn nhà trao qua đổi lại càng làm cho tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết.

Với kinh nghiệm 20 năm công tác ở trường tiểu học đã “gặt hái” được rất nhiều thành tích như Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi…, bà giáo đã vận dụng vào thực tiễn lớp học tình thương này một cách sinh động, linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi các em. Ngoài ôn tập theo sách giáo khoa, bà giáo còn tổ chức các buổi ngoại khóa để tìm hiểu kiến thức thực tế như cách bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh cá nhân, trồng hoa… Và những buổi học này luôn tạo hứng thú, niềm vui, khơi gợi sự khám phá trong mỗi em. 

“Trái ngọt” mang lại nằm ngoài mong đợi của bà giáo khi kết thúc mỗi năm học, trò nào cũng tiến bộ, dạn dĩ, nhanh nhẹn hẳn lên. Đặc biệt, em nào cũng đi học chuyên cần thay vì trước đây ham chơi trốn tiết, hoặc nghỉ học theo cha mẹ vào rẫy lượm điều, hái măng khi đến mùa vụ.

Tối hôm qua, tụi nhỏ đến lớp học, có đứa cầm 1 bông hồng đã nở bung, có đứa lại xách bịch xoài chín…, đặc biệt có đứa đã thức cả buổi trưa cặm cụi vẽ tranh để kịp tặng bà giáo nhân ngày 20-11, khiến bà xúc động, nghẹn ngào ôm từng đứa vào lòng và bất chợt, các em cất vang lời ca: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô đấy hai mẹ hiền” làm cho xóm nhỏ thêm lắng đọng, ân tình.

                                                                    Thúy Ngọc

  • Từ khóa
132742

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu