Thứ 5, 09/05/2024 21:57:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 05:34, 07/07/2021 GMT+7

Sẽ không còn những “ông nghè” giấy!

N.D
Thứ 4, 07/07/2021 | 05:34:00 2,318 lượt xem
BPO - Ngày 22-6-2021, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 7-8-2021. So với quy định hiện hành, nội dung của Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, thông tư mới đã quy định cụ thể về chuẩn đầu vào và đầu ra của chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Những nội dung này chưa được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào do Chính phủ hoặc Bộ GD&ĐT ban hành trước đó.

Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo

Về tiêu chuẩn chung, chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo phải xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo. Đối với chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo đại học và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7, thì: Người học phải tốt nghiệp THPT hoặc trình độ tương đương.

Về chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ: Người học phải tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, người học phải tốt nghiệp đại học hạng khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập. Đây được xem là một trong những điều kiện mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Bởi việc có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên đã khó, việc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập là điều kiện càng khó khăn hơn.

Đối với chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ, thông tư quy định cụ thể như sau: Người học phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 ngành phù hợp hoặc tốt nghiệp hạng giỏi trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc trình độ tương đương trở lên); có năng lực kinh nghiệm nghiên cứu. Và với những quy định cụ thể, chặt chẽ nêu trên sẽ đảm bảo được chất lượng đầu vào. Vì hiện nay, có không ít địa phương đang chạy theo xu hướng “phổ cập thạc sĩ”, nên đầu vào chỉ cần tốt nghiệp đại học loại trung bình và dù là tại chức hay vừa học vừa làm cũng đều có thể trở thành thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo

Theo quy định trong thông tư này, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phải rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được về hiểu biết chung và năng lực cốt lõi ở trình độ đào tạo, những yêu cầu riêng của lĩnh vực, ngành đào tạo. Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học.

Đồng thời, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo, thể hiện được sự đóng góp rõ nét đồng thời phản ánh được những yêu cầu mang tính đại diện cao của giới tuyển dụng và các bên liên quan khác. Phải chỉ rõ bậc trình độ cụ thể và đáp ứng chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm, năng lực cần thiết theo quy định cho bậc trình độ tương ứng theo khung trình độ quốc gia Việt Nam. Phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn, đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành hoặc cùng lĩnh vực.

Cũng theo quy định trong thông tư này, Bộ GD&ĐT yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ và rõ nét trong chuẩn đầu ra của các học phần và thành phần trong chương trình đào tạo, đồng thời được thực hiện một cách có hệ thống qua liên kết giữa các học phần và các thành phần. Đặc biệt, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khối lượng chương trình để phần lớn người học đã đáp ứng chuẩn đầu vào có khả năng hoàn thành của chương trình đào tạo trong thời gian tiêu chuẩn.

Hết thời “học giả” nhưng “bằng thật”

Thông tư này cũng quy định rõ thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định chuẩn chương trình đào tạo của từng khối ngành do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định. Hội đồng có tối thiểu 9 thành viên, trong đó có: đại diện của Bộ GD&ĐT; đại diện bộ chủ quản; đại diện một số cơ sở giáo dục đại học; đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp và các cơ quan quản lý nguồn nhân lực; chuyên gia về xây dựng, phát triển và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo. Thành viên hội đồng thẩm định là các chuyên gia trong đúng lĩnh vực, ngành cần thẩm định chuẩn chương trình đào tạo, có uy tín, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn của hội đồng. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành nhằm đánh giá chất lượng, tư vấn cho Bộ GD&ĐT ra quyết định ban hành chuẩn chương trình đào tạo;...

Với những quy định cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch và dân chủ về chuẩn đầu vào cũng như đầu ra của chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Và đây được xem là bước đột phá mạnh mẽ của ngành giáo dục nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực đào tạo. Tức là từ nay trở đi phải học thật, dạy thật, thi thật để có đầu vào thật và khi ra trường mới có bằng thật. Đồng thời, đây cũng là cái then cài, cái chốt đóng lại cánh cửa mơ ước của không ít người “học giả” nhưng lại muốn có “bằng thật”. Và cũng từ đây trong ngôn ngữ tiếng Việt sẽ không còn những cụm từ “ông cử”, “ông nghè”... giấy!

  • Từ khóa
126039

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu