Thứ 5, 09/05/2024 12:46:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:53, 05/02/2021 GMT+7

Đồng Phú tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS

Minh Hiền
Thứ 6, 05/02/2021 | 08:53:00 2,584 lượt xem
BPO - Nhận thức rõ việc trang bị tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng trường và thực tiễn ở địa phương. Từ đó giúp trẻ em DTTS có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, phấn đấu học tập, lĩnh hội kiến thức, tạo tâm thế sẵn sàng bước vào lớp 1, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Tiết thao giảng dạy giỏi lĩnh vực phát triển thẩm mỹ hoạt động âm nhạc Trường mầm non Đồng Tiến

Tại tiết thao giảng dạy giỏi lĩnh vực phát triển thẩm mỹ hoạt động âm nhạc lớp lá 1 và tiết thao giảng dạy giỏi lĩnh vực phát triển ngôn ngữ hoạt động kể chuyện lớp lá 3 của Trường mầm non Đồng Tiến, giáo viên say sưa truyền đạt, trẻ hào hứng tiếp thu và làm theo. Dù trẻ người DTTS cả 2 lớp này khá đông với 30,5% ở lớp lá 1 và 42,8% ở lớp lá 3 nhưng nhờ trong quá trình chăm sóc, giáo dục hằng ngày các giáo viên chú trọng lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS nên gần như không có sự chênh lệch trong hoạt động học tập, vui chơi giữa các trẻ.

Cô Thẩm Mộng Loan, giáo viên lớp lá 1 cho biết: Những mô hình rau, củ, quả, hàng hóa bày trong lớp khá gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Đối với trẻ DTTS, nếu như ở nhà chỉ biết tên những sản phẩm này bằng tiếng dân tộc mình thì khi đến trường, trẻ được các cô giới thiệu tên bằng tiếng Việt. Thông qua những trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ dễ tiếp cận, ghi nhớ lâu hơn.

Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, Trường mầm non Tân Phước được Phòng GD&ĐT chọn làm điểm trong toàn huyện. Năm học này, trường có tổng 307 học sinh, trong đó 128 trẻ DTTS, chiếm 41,6%. Việc bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò trong những ngày đầu đến lớp là điều khó tránh khỏi, nhưng với phương châm “Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh”, trường đã tăng cường rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho trẻ bằng các hình thức và nội dung phong phú.

Cô Kiều Thị Hạnh, Hiệu phó Trường mầm non Tân Phước cho biết: Tất cả giáo viên trong trường đều được tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Qua đó, vận dụng hiệu quả vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở từng nhóm lớp. Các góc chơi trong trường được xây dựng mang tính mở, đồ dùng, đồ chơi trong lớp cũng như ngoài trời được gắn tên tiếng Việt đã giúp trẻ tăng cường tối đa việc sử dụng tiếng Việt và chữ cái. Bên cạnh đó, việc phối hợp với phụ huynh nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ cũng được trường quan tâm.

Năm học 2019-2020, tổng số trẻ DTTS từ 3-5 tuổi ra lớp trên địa bàn huyện là 848/1.696 trẻ, chiếm 50%, tỷ lệ trẻ DTTS học bán trú đạt 98,9% thì đến năm học 2020-2021, độ tuổi tương ứng trẻ DTTS ra lớp là 979/1.067 trẻ, đạt 74,6%, riêng trẻ 5 tuổi DTTS ra lớp đạt 97,8%, tỷ lệ trẻ học bán trú cũng tăng lên trên 98%.

Để thực hiện tốt đề án, từ năm 2019 đến nay, các trường được đầu tư mua sắm thiết bị đồ dùng, đồ chơi theo quy định; vận động phụ huynh và giáo viên làm được hơn 2.000 bộ đồ chơi bằng nguyên vật liệu sẵn có với tổng trị giá gần 450 triệu đồng; vận động mạnh thường quân, phụ huynh, giáo viên đầu tư xây dựng “môi trường chữ viết” trị giá trên 65 triệu đồng và xây dựng “góc sách” trị giá trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT cũng thường xuyên tổ chức các buổi dự giờ, kiểm tra, họp tổ chuyên môn đánh giá chất lượng triển khai đề án. Nhờ vậy, chất lượng dạy học tiếng Việt nói riêng và chất lượng giáo dục vùng DTTS nói chung trên địa bàn huyện Đồng Phú không ngừng được nâng lên.

Bà Trần Thị Tuyết Hằng, chuyên viên phụ trách bậc học mầm non Phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú cho biết: Phòng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh người DTTS phù hợp điều kiện cụ thể của trường. Tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, giao lưu tiếng Việt cho học sinh; sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động trong dạy học nhằm lôi cuốn trẻ vào giờ học cũng như phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, phòng còn tổ chức tập huấn công tác quản lý, giảng dạy tăng cường tiếng Việt đối với bậc học mầm non, tiểu học.

Đồng Phú có 18 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó khoảng 21% số dân là đồng bào DTTS. 11/11 trường mầm non công lập của huyện Đồng Phú đều có trẻ DTTS theo học. Vì vậy, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS là nhiệm vụ rất quan trọng, luôn song hành trong mọi hoạt động giáo dục ở các trường. Nhiệm vụ này không chỉ riêng của ngành giáo dục mà của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Đây là bước đầu tiên nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí vùng DTTS, xóa dần khoảng cách giữa các dân tộc và giữa các vùng, miền với nhau.

  • Từ khóa
119771

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu