Thứ 2, 20/05/2024 22:43:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:33, 23/06/2014 GMT+7

Góp sức vào sự nghiệp trồng người

Thứ 2, 23/06/2014 | 08:33:00 167 lượt xem
BP - Gần 15 năm đứng lớp, thầy Nguyễn Tiến Sơn (42 tuổi), giáo viên trường Tiểu học Thanh Bình B (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp) luôn đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và là giáo viên giỏi cấp quốc gia năm 2012. Những tiết học của thầy luôn sôi nổi, thú vị, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của trường.

Giảng dạy tại trường thuộc huyện biên giới nên tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng là khó tránh. Nắm bắt được tâm lý, hoàn cảnh gia đình các em, thầy Sơn đã có nhiều cách dạy sáng tạo mang lại cảm hứng nên duy trì được sĩ số lớp học.

HẾT LÒNG VÌ HỌC SINH

Thầy Sơn cho biết: “Học sinh bỏ học chủ yếu vào mùa thu hoạch nông sản và đều rơi vào học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Khi nắm được hoàn cảnh các em, thầy Sơn và tổ giáo viên tới từng gia đình vận động trước, sau đó phối hợp chính quyền, đoàn thể, ban điều hành ấp cùng thuyết phục.


Thầy Nguyễn Tiến Sơn nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp quốc gia năm 2012

Khi đến gia đình có con bỏ học, thầy Sơn đề nghị với phụ huynh sẽ hỗ trợ các em bữa trưa và nghỉ ngơi tại gia đình mình. Em nào quá khó khăn có thể ăn ngủ tại nhà thầy và được kèm cặp thêm kiến thức vào buổi tối. Việc làm của thầy đã giúp không ít học sinh khó khăn được bổ sung kiến thức để theo kịp các bạn trong lớp. Em Nguyễn Văn Giang, học sinh lớp 5B (năm học 2011-2012) có ý định bỏ học nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy Sơn, kết thúc năm học em đã đạt loại khá. Biết cách vận động nên 5 năm qua, lớp do thầy Sơn chủ nhiệm rất hiếm học sinh bỏ học. Thầy Sơn còn tích cực vận động mạnh thường quân, các đoàn thể trường, địa phương hỗ trợ công tác khuyến học, tặng xe đạp, sách vở... cho học sinh.

SÁNG TẠO TRONG GIẢNG DẠY

Phương pháp dạy học của thầy Sơn tuy đơn giản nhưng thu hút học sinh. Thầy Sơn chia sẻ: “Phần thưởng cao quý của người thầy là chất lượng học tập của trò được nâng cao. Tôi luôn nghĩ làm giáo viên phải tâm huyết với nghề, yêu trẻ và không ngừng nghiên cứu học tập, sáng tạo trong cách dạy”. Với suy nghĩ đó, ngay từ những ngày đầu đứng lớp, thầy Sơn đã tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và đoạt giải cấp huyện. Phân loại học sinh thành từng nhóm để có cách dạy, uốn nắn và kịp thời bổ sung kiến thức cho các em cũng được thầy áp dụng. Thầy cho rằng quan trọng nhất là không để các em bị hổng kiến thức cơ bản.

“Mỗi thầy, cô giáo sẽ là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự sáng tạo để học sinh noi theo”, đó chính là phương châm mà chúng tôi luôn hướng tới để tự rèn đức luyện tài, phục vụ sự nghiệp trồng người” - thầy Sơn nói.

Thầy Sơn cho biết: “Tôi thích ứng dụng các chương trình giải trí kiến thức trên ti vi, sách vở vào lớp học. Và tôi đã thành công khi thấy học trò hứng thú tìm hiểu, nắm vững kiến thức”. Từ năm 2005, thầy Sơn áp dụng trò chơi “Rung chuông vàng”, “Đấu trường 100” hay “Ai là triệu phú”... vào môn học Lịch sử, Địa lý. Lúc đầu học sinh bỡ ngỡ nhưng sau một tháng thực hành, các em làm quen rất nhanh. Nội dung bài học được các em nhớ lâu, vận dụng thành thạo.

Đặc biệt, từ việc thao giảng lớp thầy Sơn, nhiều giáo viên đã ứng dụng phương pháp giảng dạy mới vào bộ môn Tiếng Việt. Ở môn học này, thầy Sơn đóng vai trò là người hướng dẫn, tư vấn và đưa ra đáp án; học sinh chủ động điều khiển, quản lý lớp học. Theo đó, từng nội dung của bài học được đưa ra để các em tìm lời giải ngắn gọn nhất. Nhờ đó, nhiều học sinh rụt rè đã mạnh dạn trước đám đông. Cách làm này đã xây dựng được lối suy nghĩ độc lập, làm việc, trao đổi nhóm và rèn luyện kỹ năng thuyết trình, phản biện cho học sinh. Các em tham gia rất nhiệt tình và đạt hiệu ứng tích cực trong học tập.

Không những tập trung nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đổi mới trong giáo dục, thầy Sơn còn chủ động tham khảo sách báo, internet... để tìm tòi, học hỏi những cách dạy hay, sáng tạo của đồng nghiệp.

Liên Châu

  • Từ khóa
110832

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu