Thứ 4, 08/05/2024 17:40:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:47, 09/10/2020 GMT+7

Khát vọng Bom Bo - Bài 1

Thanh Liêm - Văn Ðoàn
Thứ 6, 09/10/2020 | 09:47:00 1,533 lượt xem

TIẾNG CHÀY HUYỀN THOẠI


BPO - Địa danh sóc Bom Bo - một hậu phương vững chắc của cách mạng ở giữa lòng địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào S’tiêng nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân; sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, nấu ăn bằng nước lọc từ tro cỏ tranh để nhường muối cho bộ đội. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước đó, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đi vào lòng bao thế hệ người Việt.

Giã gạo nuôi quân

Từ thành phố Đồng Xoài đi theo quốc lộ 14, hướng về huyện Bù Đăng khoảng 50km là đến sóc Bom Bo, nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (gọi tắt là khu bảo tồn) cho biết, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân S’tiêng sóc Bom Bo đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc ta. Thông thường người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau. Nhưng vào những năm địch gắt gao càn quét, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, bộ đội thiếu thốn, khó khăn mọi mặt. Với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo đã đưa ra khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già trẻ, gái trai đồng lòng, đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác ca khúc khắc sâu trong tâm trí của nhiều người con đất Việt “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Từ đó đến nay, địa danh sóc Bom Bo là dấu son chói sáng đi vào lịch sử cách mạng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ghi dấu ấn trong lòng người dân cả nước.

Phụ nữ S'tiêng giới thiệu các mặt hàng thổ cẩm tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

Già làng Điểu Lên năm nay 76 tuổi. Già Điểu Lên nhớ lại: Tôi lớn lên dưới bầu trời đầy lửa đạn của chiến tranh. Những năm tháng chiến đấu chống giặc Mỹ cứu nước, người S’tiêng chúng tôi không tiếc gì, dù nghèo đói nhưng đêm đêm vẫn giã gạo nuôi bộ đội, sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro cỏ tranh nhường muối cho bộ đội. Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 1960, Mỹ - ngụy liên tục càn phá, muốn đẩy dân vào ấp chiến lược để tiêu diệt cách mạng, cắt đứt mối dây liên hệ của người dân với cách mạng. Thấy vậy, cả sóc Bom Bo kiên quyết không chịu vào ấp chiến lược. Đến khoảng năm 1963, khi quân địch vây bắt và khủng bố liên miên thì cả già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã âm thầm băng rừng vượt suối vào căn cứ Nửa Lon để theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con vừa xây dựng lán trại vừa lao động sản xuất và đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, đi du kích, làm giao liên; còn phụ nữ và trẻ em thì ngày đêm giã gạo nuôi quân. Hình ảnh ấy cứ in mãi trong trí nhớ mỗi người dân sóc Bom Bo cho đến hôm nay...

“Tiểu sử” tiếng chày trên sóc Bom Bo

Bà Nguyễn Hồng Loan, 59 tuổi, con gái út của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, trước đây công tác ở Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh đã nghỉ hưu 4 năm. Nói về sự ra đời của bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, bà cho biết, lúc cha còn sống (nhạc sĩ Xuân Hồng qua đời năm 1996), bà thường được cha kể về năm tháng tham gia kháng chiến và những sáng tác của ông, đặc biệt là nhạc phẩm “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Từ những câu chuyện cha kể và trong cuốn Nhạc và Đời của cha mà bà đã đọc như thuộc làu, thì ý tưởng sáng tác “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được nhạc sĩ Xuân Hồng ấp ủ trong một thời gian dài. Ngay từ khi là cậu bé chưa cầm nổi cái chày giã gạo cho đến lúc trái tim biết rung động, nhạc sĩ Xuân Hồng được tham gia sinh hoạt giã gạo ở nông thôn. Những ký ức đẹp thời trai trẻ đã theo ông vào tận chiến trường, chưa lúc nào ông từ bỏ ý định viết một bài hát về tiếng chày giã gạo. Trong một dịp tham gia chiến dịch Đồng Xoài, Xuân Hồng được đơn vị điều đến sóc Bom Bo để nhận gạo. Lần đầu đến vùng đất Bom Bo, con người Bom Bo cũng chỉ mới gợi lên vài điều thoáng qua trong tâm trí nhạc sĩ Xuân Hồng. Sau đó, nhạc sĩ có nhiều lần trở lại nơi đây.


Anh Ðiểu Té ở thôn Bom Bo lau ché để làm rượu cần

Bà Loan nói: Tôi được cha kể lại rằng, sóc Bom Bo ngày ấy là một đơn vị hậu phương vững chắc, tập quán của sóc là giã gạo ngày nào ăn ngày ấy và đó là công việc của phụ nữ. Nhưng khi bộ đội đang thiếu gạo, một số vị cao niên trong sóc đã đưa ra khẩu hiệu mang tính cách mạng: Toàn sóc Bom Bo giã gạo. Trong không gian lãng mạn mang màu sắc huyền thoại của ánh đuốc lồ ô bập bùng và tiếng chày cụp cum, âm hưởng của tiếng chày giã gạo cùng những rung động của thời trai trẻ lại vọng về, khơi nguồn cảm xúc cho tiết tấu, nhạc điệu của “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” từ ấy vang lên. Tính từ năm 1962, sau rất nhiều lần đến rồi đi, dần dần ý tưởng nảy sinh rồi cha tôi mới bắt đầu viết. Khi đó cũng viết đi viết lại rất nhiều lần mới thành bản nhạc. Mãi đến năm 1965, bản nhạc cơ bản hoàn thành nhưng cha tôi cũng để đó, đến tận năm 1966 mới phổ biến ra công chúng. Khi vừa phổ biến trên Đài Phát thanh Giải phóng, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” ngay lập tức đã vượt không gian và cả thời gian, trở thành bản hùng ca thôi thúc quân và dân khắp nơi đánh giặc. Để sáng tác được tuyệt phẩm “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, cha tôi đã lao động miệt mài, cùng sống, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và gắn bó với đồng bào S’tiêng trong thời gian dài, nhiều lúc bị sốt rét rừng người xanh như tàu lá chuối, tưởng chết.

“Sinh thời, cha tôi yêu mến thiết tha mảnh đất Bom Bo, địa danh này trở thành quê hương thứ 2 của ông, với mối quan hệ gắn bó thân tình và nhiều duyên nợ. Mùa xuân năm 1996, cha tôi quay trở lại thăm sóc và là người duy nhất được rước bằng voi, chứng tỏ người dân tôn kính ông như một vị thần. Nhưng người dân bản xứ đâu ngờ rằng đó là lần về thăm cuối cùng của cha tôi với mảnh đất nặng nghĩa tình này. Tôi cũng đã nhiều lần đến sóc Bom Bo, tôi cảm thấy người dân nơi đây nhớ thương cha tôi như người con của bản làng và tin tưởng trong niềm mong ngóng: “Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày/Về đường này thăm sóc Bom Bo...” - bà Nguyễn Hồng Loan nói.

94757

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu