Thứ 4, 08/05/2024 16:33:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:07, 24/09/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Giảm 1.000 hộ nghèo DTTS - Bước đệm của giảm nghèo bền vững

Cẩm Liên
Thứ 5, 24/09/2020 | 07:07:00 2,158 lượt xem
BPO - Bình Phước hiện có khoảng 1 triệu dân, với 41 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Giai đoạn 2016-2018, cả tỉnh giảm được 1.945 hộ nghèo, nhưng từ khi hiệu ứng chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS phát huy tác dụng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,55%, giảm 3,6% so với đầu nhiệm kỳ, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.

Ðồng bộ giải pháp

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các đoàn thể luôn quan tâm chăm lo giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, phần lớn các chương trình giảm nghèo của tỉnh vẫn phân tán, chưa tập trung. Để giảm nghèo hiệu quả, nhất là trong vùng DTTS cần có kế hoạch rõ ràng, phù hợp, huy động tập trung các nguồn lực cùng lúc cho cùng đối tượng thụ hưởng. Với quyết tâm đó, từ tháng 4-2019, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 168-KH/TU về phúc tra, rà soát số liệu và các chính sách thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung rà soát, phúc tra nhu cầu của đồng bào DTTS từ nhà, đất ở, nước sinh hoạt, vốn sản xuất, con giống, đào tạo nghề, nhà vệ sinh đến phương tiện sản xuất... Tiếp tục thực hiện nghị quyết về giảm 1.000 hộ nghèo DTTS, ngày 12-8-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1871/QĐ-UBND phân bổ 75,2 tỷ đồng cho công tác giảm hộ nghèo DTTS năm 2020 cho 7 huyện. Đến nay, theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh đã giải ngân được 24,711 tỷ đồng, đạt 32,9%. Hầu hết các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã và đang tích hợp các giải pháp để mang lại sự tốt nhất cho người nghèo.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng do Tổng công ty Điện lực miền Nam tài trợ vào cuối năm 2019 - Ảnh: Trọng Phước

Hộ anh Chu Văn Vệ (48 tuổi, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) là một trong những hộ DTTS được các cấp, ngành chung tay hỗ trợ thoát nghèo. Từ cuối năm 2019, gia đình anh Vệ được hỗ trợ cặp dê giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng. Sau khi anh xây dựng chuồng trại nuôi dê, cùng với cặp dê được hỗ trợ, anh nhận nuôi rẽ dê cho các chủ trong vùng. Vì vậy, hiện trong chuồng dê nhà anh có hơn 20 con đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, tháng 7-2020, chương trình giảm nghèo xã cũng hỗ trợ hộ anh cặp bò sinh sản để phát triển kinh tế.

Anh Vệ chia sẻ: Gia đình tôi luôn cố gắng lao động chăm chỉ nhưng chưa có cách làm phù hợp nên cứ mãi thiếu trước, hụt sau. Từ cuối năm ngoái đến nay, gia đình được hỗ trợ nhiều từ cây - con giống, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, hộ tôi còn được xây tặng nhà đại đoàn kết. Chúng tôi vui mừng, phấn khởi lắm. Tôi đã làm đơn xin thoát nghèo trong năm nay.

Giải pháp các xã trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang hướng tới là lấy người dân làm trung tâm và tự ý thức, chủ động vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vận động “Khát vọng thoát nghèo”, chúng tôi đã đồng loạt thực hiện khi người dân tự nguyện thoát nghèo sẽ tặng 2 triệu đồng/hộ và nhiều phần quà khác. Sắp tới, Lộc Ninh tiếp tục phát triển quỹ khát vọng thoát nghèo để bà con chủ động hơn. Với cách làm này, hiện Lộc Ninh đã có 3 xã không còn hộ nghèo.
Ông Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh

Trong khi đó, từ chương trình giảm nghèo, 2 năm nay, gia đình ông Hoàng Hải Quân, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết và cặp bò sinh sản. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông Quân còn được hỗ trợ nông cụ sản xuất và giống cây điều. Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ đồng thời, dù vợ bệnh, con đau nhưng ông Quân cũng đã tìm được hướng phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Phùng Thị Duyên, ấp Điện Ảnh, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp nói: Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước khi hỗ trợ từ cây - con giống đến vốn vay sản xuất và giờ có thêm căn nhà đại đoàn kết. Đúng là nhờ tình thương “đại đoàn kết” mà chúng tôi thoát khỏi cảnh đói nghèo bấy lâu. Hiện với ngôi nhà kiên cố, đàn dê đã bắt đầu sinh trưởng, mấy trăm nọc tiêu cho thu hoạch, tôi tin tưởng gia đình sẽ sớm có của ăn, của để.

Nhân rộng “khát vọng thoát nghèo”

Ông Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Đầu năm, huyện Lộc Ninh còn hơn 1.300 hộ nghèo, trong đó gần 790 hộ DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh chú trọng phát triển hạ tầng, kinh tế, chúng tôi rất quan tâm chính sách thoát nghèo, nhất là đối với đồng bào DTTS.

Tặng quà tiếp sức khát vọng thoát nghèo cho người nghèo vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bù Đốp

Với mục tiêu “Tất cả vì người nghèo, giúp người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo”, đầu năm 2020, UBMTTQVN huyện Lộc Ninh đã phát động chương trình “Khát vọng thoát nghèo” ở tất cả xã trên địa bàn huyện biên giới và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ông Bùi Bá Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thạnh, một trong những xã không còn hộ nghèo, cho biết: Để công tác xóa nghèo đạt hiệu quả, chúng tôi tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, các buổi họp tại ấp; đội ngũ bí thư chi bộ, ban điều hành ấp, ban công tác mặt trận cơ sở về tận các hộ nghèo để tuyên truyền lợi ích của việc giảm nghèo, cách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, mô hình giảm nghèo. Qua đó, khơi dậy khát vọng thoát nghèo của mỗi hộ dân. Năm 2020, xã Lộc Thạnh còn 18 hộ nghèo. Thực hiện chủ trương người dân chủ động thoát nghèo, ngay từ đầu năm có 1 hộ gửi đơn xin tự nguyện thoát nghèo. Đến tháng 7, 17 hộ nghèo còn lại cũng tự nguyện xin thoát nghèo.

Năm 2020, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng 719 căn nhà đại đoàn kết với tổng trị giá khoảng 57,52 tỷ đồng cho 8 huyện, thị xã. Trong đó, dự kiến hỗ trợ chương trình xóa 1.000 hộ nghèo DTTS sẽ xây dựng 451 căn nhà. Bên cạnh đó, các chương trình như hỗ trợ nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, điện lưới, vay vốn chính sách đến tạo việc làm... cũng được thực hiện đồng thời và mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ 190/511 nhà vệ sinh; 220/574 hộ có nhu cầu nước sinh hoạt; hỗ trợ kéo điện cho 20/413 hộ; 33/497 cái tivi; vay vốn ưu đãi tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội 146/192 hộ; tạo việc làm cho 782/1.629 nhu cầu.

Lộc Khánh cũng là một trong những xã có số hộ DTTS đông. Đầu năm 2020, xã còn 190 hộ nghèo, trong đó 142 hộ DTTS. Qua khảo sát, toàn xã có 69 hộ cần hỗ trợ xây nhà mới, 36 hộ cần hỗ trợ con giống, 12 hộ cần hỗ trợ về thu nhập, 106 hộ cần hỗ trợ về giếng nước, xe máy, tivi, xây dựng nhà vệ sinh… Đến nay, toàn xã đã có 42 hộ thoát nghèo, trong đó 9 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Cuối tháng 8 vừa qua, xã Lộc Khánh đã tổ chức chương trình “Khát vọng thoát nghèo” và cấp giấy chứng nhận cho 42 hộ dân thoát nghèo, trong đó trao tiền 2 triệu đồng/hộ cho 9 hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Đồng thời lãnh đạo xã, các ban, ngành cũng trao tặng nhiều phần quà thiết thực để chung tay xóa nghèo và chống tái nghèo cho các hộ vừa thoát nghèo trên địa bàn xã.

Những cách làm nêu trên đang được huyện Lộc Ninh triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả. Và nếu giải pháp này được áp dụng rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh sẽ góp phần thay đổi căn bản nhận thức của người dân khi cả hệ thống chính trị vào cuộc và người dân đồng lòng hưởng ứng tự ý thức vươn lên thì kế hoạch mỗi năm giảm 1% hộ nghèo của tỉnh chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tốt.

  • Từ khóa
94755

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu